Tứ phương... chợ

Khu chợ nổi giữa lòng Sài Gòn. Ảnh: Ngô Bình
Khu chợ nổi giữa lòng Sài Gòn. Ảnh: Ngô Bình
TP - Giữa lòng Sài Gòn phồn hoa tráng lệ, những khu chợ ẩm thực mang những nét văn hóa riêng không chỉ của các vùng miền Việt Nam mà còn là sự giao lưu văn hóa, ẩm thực của các quốc gia và tình người ấm áp của vùng đất Nam bộ.

Tình người trên chợ nổi

Xưa nay nói đến chợ nổi ai cũng nghĩ nó chỉ có ở miền Tây sông nước với những khu chợ hoạt động nhộn nhịp vào mỗi sáng tinh mơ. Thế nhưng, nằm lọt thỏm giữa lòng Sài Gòn cũng có khu chợ nổi với hàng chục ghe xuồng lênh đênh đời sông nước. 

Đó là khu chợ nổi nằm trên dòng Kênh Tẻ, đoạn dưới chân cầu Tân Thuận bên bờ quận 7, TPHCM với những chuyến ghe lớn nhỏ chở đầy hoa quả từ đu đủ, bưởi đến những nải chuối chín vàng khươm là đặc sản từ Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang, Cần Thơ…

Đặc biệt vào những ngày giáp rằm và mùng một, những chuyến thuyền ghe chở đầy hoa tươi, hàng thờ cúng tấp nập. Ở đây, người bán ít khi đòi thách và người mua cũng chẳng cần trả giá vì những món hàng này “đã ngon còn bổ, rẻ” bậc nhất ở đất Sài Thành. 

Mỗi nải chuối có giá trên dưới 10 nghìn đồng, cân ổi, mít hay thanh long đặc sản giá cả cũng mềm hơn nhiều nơi khác. Cứ ba bữa, năm ngày họ lại dong xuồng về miền Tây thu mua trái cây từ nông dân chở lên bán. Mỗi chuyến từ Sài Gòn về, những lái buôn cũng tranh thủ chở theo những thứ cần thiết mà miền Tây không có để nhập cho các tiệm tạp hóa kiếm thêm thu nhập.

Cách buôn bán của người dân tại khu chợ này cũng ít khi thấy ở những khu chợ khác ở Sài Gòn, người bán trưng hàng trong những chiếc nong, nia đan bằng tre để trên lan can hàng rào uốn lượn theo mặt sông tạo nên khung cảnh sặc sỡ đầy màu sắc. 

Người bán cũng chả mấy khi mời chào khách ghé mua hàng của mình mà chỉ trưng hàng ra rồi ngồi chơi hay làm việc khác mà cũng không cần trông hàng, ai mua tự vào lựa, khi ưng ý thì gọi người bán có khi đang loay hoay nấu cơm, dọn đồ từ dưới ghe lên. Đôi khi, khách ghé sạp của người này mua hàng nhưng chủ sạp bận bịu công việc thì người bạn hàng bên cạnh qua bán giúp chứ không có chuyện tranh giành khách.

Gần 20 năm lênh đênh trên chiếc ghe nhỏ cùng gia đình mưu sinh ở khu chợ nổi này, chị Nguyễn Thị Thúy (quê Bến Tre) cho biết, tài sản duy nhất của gia đình chị là chiếc ghe nhỏ chở đầy trái cây. 

Tuy nó chật hẹp nhưng là nơi ở của bốn người trong gia đình với chiếc tivi đời cũ, chiếc quạt máy và nồi cơm điện đủ phục vụ cho gia đình. Chị nói: “Cuộc sống trên những chiếc ghe tuy khó khăn nhưng cũng đầy niềm vui, hàng xóm cũng cùng cảnh ngộ nên dễ sẻ chia, giúp đỡ nhau mỗi khi tối lửa tắt đèn”.

Độc đáo ẩm thực chợ Campuchia

Nằm len lỏi trong con hẻm nhỏ trên đường Lê Hồng Phong, quận 10, TPHCM, chợ Campuchia hay còn được gọi với nhiều cái tên khác là chợ Miên, chợ Nam Vang... đem đến cho thực khách những cảm giác thích thú khi được thưởng thức những món ăn đậm chất Campuchia như bún nước lèo, mắm bò hóc, chè xôi Xiêm, lá sầu đâu, cá khô các loại...

Từ ngoài đường Lê Hồng Phong rẽ vào con hẻm 374, không khó để nhận ra khu chợ Campuchia bởi các bảng hiệu, hàng hóa được trưng bày theo phong cách rất đặc biệt. Những xâu cá khô đánh từ Biển Hồ, những loại cá hong khói, mắm bò, xúc xích... được treo đầy trước mỗi sạp. Khu chợ ban đầu chỉ là một vài hộ kinh doanh nhỏ lẻ để phục vụ những người Việt hồi hương, sau đó phát triển dần và đến nay, đây là khu chợ ẩm thực độc đáo với đủ các món ăn.

Nằm ngay cửa vào của khu chợ, sạp thực phẩm Campuchia Tư Xê bày bán đủ loại từ cá lóc khô, cá tra Biển Hồ, mắm bò, cá sặc... có giá từ 60.000 đến 300.000 đồng/kg. Theo lời chủ sạp thì tất cả cá khô, mắm đều được nhập từ Campuchia về. Đặc biệt là món khô cá tra Biển Hồ với thịt dày, ngọt thơm và dai là đặc sản được nhiều người lựa chọn. 

Chị Mai chủ sạp cho biết, bố là người Campuchia, mẹ người Việt, sau khi rời Campuchia về Việt Nam, nhớ hương vị các món ăn Campuchia nên bố mẹ chị mua về dùng rồi mở sạp bán các loại thực phẩm này luôn. Đến nay, ông bà đã già nên để lại sạp cho vợ chồng chị kinh doanh, toàn bộ hàng hóa được nhập từ Campuchia về rồi đóng gói. “Bán lâu ngày nên giờ khách của tôi đa số khách quen, cũng có khách du lịch và nhiều người mua để mang đi nước ngoài làm quà lắm”, chị Mai nói.

Bên cạnh sạp khô của chị Mai là hàng bún Num Bò Chóc đã tồn tại hơn 30 năm tại đây. Bún Num Bò Chóc là loại bún cá nước lèo rất phổ biến của xứ Miên, với phần nước lèo có mùi vị đặc trưng nấu từ mắm bò hóc và ngải búng, kết hợp với cá lóc ăn kèm các loại rau như đậu đũa, ngó súng. 

“Những khách lạ lần đầu tiên nghe mắm Bò Hóc tỏ ra ngại không dám ăn, nhưng sau vài lần thử thì không thể từ chối mỗi khi đến đây. Đi chợ Miên mà không ăn bún Num Bò Chóc, coi như chưa biết mùi chợ Miên”, chủ quán bún nói.

Bên cạnh quán bún là hàng chè xôi Xiêm của bà Tám với các loại chè đặc trưng Campuchia và nguyên liệu để nấu chè cũng được nhập từ Campuchia về, cứ vài ba ngày là bà Tám lại nhập một lô hàng nguyên liệu để nấu chè. Món đặc sản của bà Tám là xôi Xiêm, chè bí chưng, chè thốt nốt... với sự công phu của người chế biến, cộng thêm hương vị đặc biệt của món ăn Campuchia khiến người ta phải nghiện sau một vài lần thưởng thức.

“Bỏng mắt” chợ Hàn

Nhắc đến chợ “ngoại quốc” ở Sài Gòn thì không thể không nhắc đến chợ Hàn Quốc với các loại hàng hóa khiến thực khách phải “bỏng mắt” khi nhìn vào như ớt khô xay nhuyễn, kim chi, rượu sochu hay rong biển, tokbokki… tất cả đều mang hương vị, nhãn hiệu Hàn Quốc mà ở các khu chợ hay siêu thị khác không thể tìm ra.

Khu chợ Hàn Quốc cũng nằm khiêm tốn dọc con đường Tân Sơn Hòa, phường 3, quận Tân Bình kéo dài khoảng 500m dọc bên hông chợ Phạm Văn Hai. Kinh doanh thực phẩm Hàn Quốc 15 năm nay tại đây, bà Thanh Tuyền cho biết, khu vực này có rất nhiều người Hàn Quốc ở. Trước đây họ đi chợ tìm mua thực phẩm Hàn Quốc rất nhiều nên bà và những người buôn bán ở đây liền tìm cách nhập hàng về bán.

Sau thời gian dài kinh doanh, sạp của bà giờ đã là địa chỉ nổi tiếng của người Hàn mỗi khi đến khu phố này, thậm chí những du học sinh từ Hàn Quốc về cũng đến tìm mua các loại thực phẩm ở đây. Bà Tuyền cho biết: “Ngày trước người Hàn còn chưa biết tiếng Việt, mỗi lần đi chợ họ phải mang sách từ điển đi, người bán cũng phải trang bị từ điển để giao tiếp với khách”.

Tứ phương... chợ ảnh 1

Đến chợ nổi, người bán không nói thách và người mua cũng chẳng cần trả giá. Ảnh: Ngô Bình

Theo thời gian, người Hàn học nói tiếng Việt còn chủ quán bán món Hàn cũng học nói tiếng Hàn để giao tiếp được thuận tiện hơn và còn có sự giao lưu văn hóa giữa người mua, người bán. 


“Nhiều người đến mua dần thành khách quen, họ sẵn sàng chỉ cho mình cách chế biến các món ăn Hàn Quốc như thế nào cho ngon. Còn mình cũng được dịp giới thiệu những món ăn khác của Việt Nam mà họ chưa biết”, chị Hương, chủ cửa hàng Hàn Quốc nói.

Không chỉ có chợ Hàn, chợ Campuchia, ở Sài Gòn còn nhiều khu chợ, siêu thị dành cho người nước ngoài như chợ Nga với các loại hàng hóa như bánh mì đen, xúc xích, thịt hộp, cá trích và cả các sản phẩm, đồ chơi lưu niệm… khu chợ nằm trong khu dân cư ở quận 1 hàng ngày luôn tấp nập khách. Hay những siêu thị mini bán đồ ăn Nhật Bản, đồ lưu niệm cũng thu hút khá đông khách, không chỉ có gia đình người Nhật mà người Việt cũng thích đến đây mua sắm bởi chất lượng của các sản phẩm, đồ ăn ở đây luôn được đánh giá cao. 


MỚI - NÓNG