Từ những 'vườn rau hạnh phúc'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Những năm gần đây, Hội liên hiệp phụ nữ các xã trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, giúp chị em dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phát triển kinh tế, ổn định đời sống, xóa đói giảm nghèo.

Lúi húi tưới nước cho vườn rau, chị H’Juyl Ajun (buôn Sah B, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar) cho biết, trước đây, nơi này là khoảng sân trống bỏ không. Sau khi được cán bộ hội phụ nữ xã vận động tham gia “Vườn rau hạnh phúc”, các chị hướng dẫn và phát hạt giống, gia đình H’Juyl cải tạo đất trồng rau. Thời gian vừa qua, nhiều hộ gia đình phải cách ly vì mắc COVID-19, nhờ vườn rau mọi người đảm bảo các bữa ăn hằng ngày, tiết kiệm được một khoản tiền. Rau sạch, đảm bảo an toàn nên các tiểu thương vào tận vườn thu mua, chị em phụ nữ ở đây có thêm một khoản thu nhập.

Từ những 'vườn rau hạnh phúc' ảnh 1

Mô hình vườn rau hạnh phúc của gia đình chị H’Juyl Ajun

Theo chị H’Wôn Niê, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Ea Tul, xã có 98% là đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Mô hình “Vườn rau hạnh phúc” hiện được triển khai 11 thôn, buôn của xã với hơn 300 hộ tham gia. Mô hình này là hoạt động cụ thể hoá cuộc vận động “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế của hộ phụ nữ dân tộc thiểu số”.

Năm 2022, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Cư M’gar triển khai mô hình “Vườn rau hạnh phúc” tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Hội hỗ trợ xây dựng 3.000 mô hình, giúp gia đình hội viên phụ nữ, đặc biệt là hộ phụ nữ dân tộc thiểu số biết tận dụng diện tích đất trống để trồng rau làm nguồn thực phẩm tại chỗ; góp phần nâng cao kiến thức cho chị em về sản xuất, chế biến, tiêu dùng thực phẩm an toàn, cải thiện bữa ăn của gia đình; đồng thời cung ứng ra thị trường, tăng thu nhập.

Trước đó, hưởng ứng cuộc vận động này, Hội phụ nữ xã Ea Tul đi khảo sát, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng, tình hình sản xuất của các hộ để lựa chọn thực hiện các mô hình phù hợp với điều kiện sản xuất, chăn nuôi như: Cải tạo vườn tạp trồng cây phù hợp, nuôi dê sinh sản…. Hội đã hỗ trợ được 14 hộ, mỗi hộ 10 - 12 triệu đồng, vay luân chuyển trong vòng hai năm. Các mô hình bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp gia đình hội viên có thêm nguồn thu để cải thiện cuộc sống, góp phần thay đổi nhận thức, thay đổi cách làm trong sản xuất, chăn nuôi cho người dân tại địa phương.

Gia đình chị H’Nuă Ajun (buôn Sah B) thuộc diện hộ nghèo. Năm 2020, chị được Hội Phụ nữ xã hỗ trợ 2 con dê giống, đến nay, đàn dê đã có 9 con. Chị chia sẻ, gia đình tận dụng chuồng nuôi heo trước đây thả dê. Dê không tốn chi phí, chỉ bỏ công, thỉnh thoảng mua thêm cám viên. Phân dê tận dụng ủ, sau đó bón rau và cà phê.

MỚI - NÓNG
Nguyên nhân sập cầu treo Kẻ Nính
Nguyên nhân sập cầu treo Kẻ Nính
TPO - Liên quan đến vụ sập cầu treo Kẻ Nính bắc qua sông Hiếu xảy ra vào ngày 6/3/2024, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã có báo cáo kết quả kiểm tra vụ việc và nguyên nhân gây sập cầu.