Từ nay cán bộ sai phạm không dễ 'hạ cánh an toàn'

Từ nay cán bộ sai phạm không dễ 'hạ cánh an toàn'
Đó là nhận định của Phó tổng Thanh tra Nhà nước Vũ Phạm Quyết Thắng trước hiện tượng một số cán bộ có sai phạm, chọn cách nghỉ hưu để không bị xử lý trách nhiệm. Theo ông Thắng, với tinh thần đổi mới, từ nay, sẽ không có việc “hạ cánh an toàn”.

Trích phát biểu bế mạc của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh tại hội nghị lần 3 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X.

- Lâu nay người ta dùng khái niệm “hạ cánh an toàn” để chỉ những cán bộ có chức, có quyền, giữ những cương vị nhất định, vi phạm nhiều khuyết điểm về tài chính, về quản lý... nhưng khi nghỉ hưu đã không bị đụng chạm đến những việc đó nữa. Tôi cho đây là một thiếu sót rất lớn trong công tác quản lý cán bộ lâu nay của chúng ta.

Còn từ nay về sau, tôi tin với tinh thần đổi mới của Đảng, của nghị quyết trung ương 3, việc “hạ cánh an toàn” là chuyện không dễ và sẽ không có được đối với những cán bộ sai phạm. Nhưng điều đó chỉ xảy ra được, tôi xin nhấn mạnh, tùy thuộc vào sự nghiêm minh, công bằng của luật pháp, tùy thuộc vào sự gương mẫu của các cán bộ quản lý ở các cấp. Điều đó cũng còn tùy thuộc vào ý thức trách nhiệm của các cơ quan dân cử và của quần chúng nhân dân, trong đó báo chí có một vai trò rất quan trọng.

Dư luận cho rằng việc xử lý những cán bộ có sai phạm chưa nghiêm, chưa triệt để. Ngay cả vụ đất đai Đồ Sơn, đã xử lý về mặt Đảng, về mặt chính quyền một loạt cán bộ, nhưng khi đưa ra xét xử thì tòa án lại cho ra một bản án không nghiêm. Ông nhận xét gì về việc này?

- Tôi nghĩ vụ Đồ Sơn là một điển hình chống tiêu cực của quần chúng. Chính quần chúng cùng với báo chí đã làm rõ vấn đề đó trước công luận, trước nhân dân. Tức là việc đó rất rõ ràng.

Tôi nghĩ rằng cơ quan pháp luật phải xử lý đúng người đúng tội. Nhưng rồi báo chí nhận xét việc xét xử như vừa rồi chưa thỏa đáng. Cơ quan pháp luật phải trả lời về việc này trước công luận.

Nên nhớ rằng còn một tòa án lớn hơn - đó là tòa án lương tâm của từng cá nhân con người tham gia xét xử, tòa án lương tâm của từng người vi phạm pháp luật.

Nếu xét xử đúng vụ việc, xử lý vụ Đồ Sơn đầy đủ, đúng mức thì không hề có chuyện kìm hãm mà ngược lại, chỉ thúc đẩy sự phát triển của Hải Phòng lên mà thôi.

- Ông nghĩ gì khi vụ việc phát hiện bởi người dân, nhưng kết quả xét xử như vậy đã gây tác dụng ngược, ảnh hưởng đến lòng tin của người dân vào sự công minh của luật pháp, đặc biệt những người tham gia chống tiêu cực?

- Tôi thật sự không muốn trả lời câu hỏi này. Tôi nghĩ chính những người trong cuộc phải trả lời trước. Tôi từng là trưởng đoàn thanh tra vụ lòng hồ Trị An bị lấn chiếm. Thanh tra nhưng thực chất chỉ là chứng minh những điều báo chí đã phản ánh là đúng mà thôi.

Qua vụ việc tiêu cực ở lòng hồ Trị An, ở Đồ Sơn, ở Tổng công ty Dầu khí hay ở nhiều vụ khác, điều mà quần chúng quan tâm nhất là kết quả cuối cùng của việc xử lý cán bộ và cơ chế, chính sách sẽ được điều chỉnh thế nào. Cái đó chính là động lực để phát triển hoặc sẽ kìm hãm sự phát triển. Cái đó cũng là cơ sở để dân tin yêu Đảng hay không.

Theo Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG