Từ 'Mùa hoa cải' đến 'ngôi nhà của mẹ'

TP - Nhắc đến Nguyễn Quang Thiều ở mảng văn xuôi người đọc khó có thể quên truyện ngắn nổi tiếng “Mùa hoa cải bên sông” được đạo diễn Khải Hưng chuyển thể thành phim “Lời nguyền của dòng sông”, từng đoạt giải vàng Liên hoan phim truyền hình quốc tế tại Bỉ năm 1993.

Lần này, anh tiếp tục mang đến cho bạn đọc một câu chuyện mới về một người mẹ suốt đời sống trong âu lo, sợ hãi trong một ngôi nhà u uẩn ở một làng quê Bắc Bộ.

Nếu “Mùa hoa cải bên sông” được Nguyễn Quang Thiều “khai”: “70% của truyện ngắn này là sự thật” thì “Trong ngôi nhà của mẹ”, tác phẩm mới xuất bản của anh không có một chi tiết nào do nhà văn nhào nặn. Tất cả mọi chi tiết trong cuốn sách dày trên 300 trang, chia thành 30 phần, “không có gì ngoài sự thật”, là khẳng định của tác giả, ngay cả những chi tiết mang yếu tố tâm linh. Thế nên, NXB Trẻ, “bà đỡ” của “Trong ngôi nhà của mẹ” cũng không biết đặt tác phẩm này vào thể loại nào. Nguyễn Quang Thiều nói rằng: Hãy đơn giản gọi nó là một câu chuyện, một câu chuyện có thật đã xảy ra trong quá khứ, được người đang sống kể lại và anh chỉ làm nhiệm vụ của một “thư kí” trung thực.

Từ 'Mùa hoa cải' đến 'ngôi nhà của mẹ' ảnh 1

Bìa sách với tranh của Nguyễn Quang Thiều.

Không gian chính của tác phẩm chính là “ngôi nhà của mẹ”, ngôi nhà  nằm ở làng Đa Sỹ, thuộc Hà Tây cũ, nổi tiếng với nghề làm dao kéo, cũng là ngôi làng địa linh đã sản sinh ra nhiều nhân kiệt dưới thời phong kiến. Người kể chuyện chính là ông Trịnh Văn Sỹ, bạn thân của nhà thơ, trong nhóm “nhân sỹ Hà Đông”. Trong nhiều tháng, vào mỗi tối, Nguyễn Quang Thiều đã nghe  bạn mình kể về người mẹ của anh, một người đàn bà cả đời sống trong cô đơn, sợ hãi, đã rời xa thế gian gần nửa thế kỷ. Câu chuyện đã chinh phục trái tim Nguyễn Quang Thiều: “Tôi nhận ra một sự thật: Sự thật về niềm xúc động vô bờ và sự thiêng liêng lớn lao của tình mẫu tử, sự thật về mối liên hệ tâm linh giữa những người đã khuất và những người đang sống, sự thật về sức mạnh để con người vượt qua nỗi sợ hãi, sự thật về lòng biết ơn của một con người đối với những người khác trên cuộc đời này…”. Cho nên, anh đã ghi lại câu chuyện  một cách cẩn trọng và đặt cho nó cái tên giản dị: “Trong ngôi nhà của mẹ”.

Không có cuốn tiểu thuyết nào hấp dẫn hơn chính hiện thực cuộc sống. Câu chuyện  được Nguyễn Quang Thiều ghi lại chứa đựng từ phong tục tập quán, lề thói gia đình, một mảnh vườn ký ức, một ngôi nhà mà những người sống trong đó 30 năm không rời khăn tang khỏi đầu, vì phận người nối nhau ra đi,  một người mẹ sống một cuộc đời ngắn ngủi, thỉnh thoảng lại từ cõi xa xăm hiện về… Cuốn sách giàu những chi tiết đặc sắc, lạ lẫm phần nào trong nhịp điệu cuộc sống hôm nay: Người mẹ trong câu chuyện trải qua hai đời chồng. Bà bỏ trốn người chồng đầu tiên vì cảm giác có lỗi, sống với chồng suốt ba năm vẫn không sinh được mụn con. Sau đó, bà lấy chồng lần hai và mất sớm. Khi mất bà vẫn ân hận chưa trả lễ cho gia đình người chồng đầu tiên. Gần nửa thế kỷ sau những đứa con của bà bắt đầu trả lễ, mang lễ của người mẹ đã chết để trả lại cho người chồng đầu, cũng đã ra đi. Theo Nguyễn Quang Thiều, những chi tiết độc đáo ấy được anh ghi lại để truyền tải thông điệp về lòng hiếu thảo.

“Mùa hoa cải bên sông” kể về một cô gái sống cùng gia đình trên một chiếc thuyền, họ không được phép lên bờ vì lời nguyền của cha cô. “Trong ngôi nhà của mẹ” là câu chuyện về một người mẹ bình dị, khổ đau. Song bao trùm lên cả hai câu chuyện khác nhau về nội dung đều là một không khí u uẩn. Có lẽ đây là “đặc sản” của Nguyễn Quang Thiều, trải từ thơ ca đến văn xuôi như anh có lần đã viết: “Tôi xin ở kiếp sau làm con chó nhỏ/Để canh giữ nỗi buồn- báu vật cố hương tôi”. Anh giải thích: “Trong đời sống của những người đồng bằng Bắc bộ những năm tháng trước đây, các phong tục tương đối giống nhau, đời sống tâm linh tương đối giống nhau, những câu chuyện bí ẩn, những số phận cô độc tương tự giống nhau… Bất kể một làng Việt Nam nào  cũng có thể trở thành một làng Macondo của Gabriel Garcia Marquez, chẳng qua chúng ta chưa có Marquez mà thôi”.

MỚI - NÓNG