Từ mất rừng đến chung sống hạnh phúc với rừng

Giống cây rừng chất lượng cao ươm trước khi trồng ở rừng
Giống cây rừng chất lượng cao ươm trước khi trồng ở rừng
Để khắc phục thực trạng mất rừng, Sở NN&PT NT Hà Giang phát triển kinh tế rừng bằng các biện pháp như hình thành khu rừng cung cấp lâm sản ngoài gỗ (như Thảo quả, Lan kim tuyến, Hồ đào, v.v...); trồng rừng cao sản và phát triển mạnh lâm nghiệp công nghệ cao. Từ đó giúp người dân sống được nhờ vào rừng và giữ rừng.

Biến rừng thành nguồn sống cho người dân 

Các biện pháp cụ thể để nâng cao giá trị và đóng góp của rừng đối với việc cải thiện sinh kế cho người dân, như: tận dụng tán rừng để trồng cây dược liệu; sử dụng đất lâm nghiệp để trồng rừng cung cấp lâm sản ngoài gỗ (như cung cấp quả Trám, hạt Dổi, tinh dầu Hồi ở Bắc Mê; phát triển rừng trồng cây Tống quá Sủ kết hợp với trồng Thảo quả ở dưới tán. Trồng cây Hồ đào ở Đồng Văn; trồng Quế ở huyện Xín Mần.

UBND tỉnh Hà Giang hỗ trợ 100% lãi suất trong vòng 5 năm đối với vốn vay phát triển 29 loài cây dược liệu trong danh mục ưu tiên của tỉnh. Hà Giang hình thành các chuỗi sản phẩm về Thảo quả (loài cây được trồng ở dưới tán rừng) với diện tích xấp xỉ 10.000 ha, phân bố ở độ cao từ 1000 m trở lên so với mực nước biển.

“Chúng tôi vận dụng nguyên lý sinh học để tạo ra liên kết và lợi ích về kinh tế. Giúp người dân có nguồn thu nhập từ rừng, nhưng vẫn bảo vệ cây cổ thụ và hệ sinh thái rừng hiện có. Khi người dân sống được bằng rừng thì mới góp sức bảo vệ diện tích rừng tự nhiên”, ông Phạm Văn Điển, Phó Giám đốc Sở NN&PT NN Hà Giang cho biết. 

Ngoài ra Hà Giang còn hướng dẫn người dân thực hiện quy trình để được cấp chứng chỉ rừng bền vững cho gần 1.200 ha và đang mở rộng, dự kiến đến 2020, diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý bền vững FSC là 30.000 ha. Việc cấp chứng chỉ rừng sẽ mang lại lợi kép, như: được Nhà máy MDF Hà Giang hỗ trợ 50.000 đồng/m3; được tỉnh thưởng thêm 200.000 đ/ha rừng; giá bán ở thị trường tăng thêm từ 15 - 20% và được xem là phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế. Từ đó kích thích người dân tăng năng suất rừng trồng vì lợi ích của chính họ. 
“Ở Quản Bạ, Xín Mần chúng tôi đã có mô hình rừng có hiệu quả kinh tế cao, cho thu nhập ròng đến 200 triệu đồng/ha/năm (là số tiền còn lại sau khi đã trừ chi phí - PV) từ kết hợp bảo vệ rừng tự nhiên, trồng thảo quả, cây dược liệu…”, ông Phạm Văn Điển cho biết. 

Từ mất rừng đến chung sống hạnh phúc với rừng ảnh 1 Lãnh đạo Sở NN&PT NT khảo sát thực địa để triển khai mô hình kết hợp lâm sản ngoài gỗ
Tiến tới phát triển lâm nghiệp công nghệ cao

Phát triển lâm nghiệp công nghệ cao đã được tỉnh Hà Giang xác định rõ trong Đề án “Định hướng phát triển lâm nghiệp tỉnh Hà Giang giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Mục tiêu của lâm nghiệp công nghệ cao là đạt được hiệu quả cao về kinh tế trong bối cảnh có nhiều bất lợi cho sản xuất lâm nghiệp ở tỉnh Hà Giang, như điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt (địa hình cao và dốc, đất đai xương xẩu, khô hạn). 

Mặt khác, phát triển lâm nghiệp công nghệ cao cũng nhằm để phát huy lợi thế, như có nhiều giống loài quí hiếm, có giá trị kinh tế cao, có thể tạo ra sản phẩm đặc trưng cho vùng cao nguyên núi đá, nơi địa đầu của tổ quốc ta, như Lan kim tuyến bản địa của Quản Bạ, Vị Xuyên; Tam thất Đồng Văn; Sâm cát ở Hoàng Su Phì, v.v...

Trước hết, “lâm nghiệp công nghệ cao được khởi đầu bằng việc đưa giống tốt vào sản xuất lâm nghiệp. Rất may, năm 2016, tỷ lệ giống tốt được đưa vào sản xuất đã đạt 33,6%, có triển vọng nâng cao năng suất rừng từ 1,5 đến 1,8 lần so với giai đoạn rừng được trồng trước đó” - ông Phạm Văn Điển cho biết.

Sở NN& PT NT Hà Giang cũng đã hỗ trợ người dân xây dựng nhiều mô hình rừng theo hướng lâm nghiệp công nghệ cao như: sử dụng giống tốt, có nguồn gốc và xuất xứ rõ ràng; sử dụng vật liệu nuôi cấy mô; nuôi cây trong nhà lưới; sử dụng phân bón vi sinh và vi lượng; thâm canh tăng năng suất. 

Nhiều khu rừng mới trồng được 1 - 2 năm, cây phát triển tốt tươi và cân đối, lõi to và chắc và có chiều cao 4 - 6 m, , có thể đạt năng suất trên 15 - 20m3/ha/năm (chu kỳ 7 - 8 năm). Trong điều kiện địa hình và thổ nhưỡng có nhiều hạn chế như Hà Giang, năng suất trên là khá cao và rất có ý nghĩa trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất đồi núi.
Ngoài ra Hà Giang thực hiện mô hình rừng cao sản, có triển vọng cho hiệu quả kinh tế cao, như rừng trồng Keo tai tượng mọc từ hạt của Úc; rừng Keo lai được trồng từ vật liệu nuôi cấy mô; rừng Hồ đào từ cây hom…

“Từ khắc phục việc mất rừng, người dân và ngành nông lâm nghiệp tỉnh Hà Giang, nơi thượng nguồn cao nguyên núi đá địa đầu của tổ quốc, đã từng bước vượt được khó khăn và vươn lên để chung sống hài hòa, hạnh phúc với rừng”, ông Phạm Văn Điển, Giám đốc Sở NN&PT NT Hà Giang cho biết.

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.