Từ Làng Hồ đến… Thành phố Kon Tum

Từ Làng Hồ đến… Thành phố Kon Tum
TP - Những ngày này đặt chân đến Kon Tum, nhìn cờ hoa, khẩu hiệu và sự tất bật của dòng người ở các ngả đường, du khách thấy như đất trời và lòng người vào hội. Từ cửa ngõ Thành phố ở đầu cầu Đăk Bla: cầu cống, đường sá, bồn hoa, công viên nước, đến công trình sân vận động tỉnh-nơi sẽ diễn ra đại lễ 100 năm…tất cả sẵn sàng chờ ngày hội lớn.
Kon Tum - thành phố bên sông Đăk Bla
Kon Tum - thành phố bên sông Đăk Bla.

Thiêng liêng vùng đất văn hóa - lịch sử

Kon Tum tưng bừng kỷ niệm 100 năm ngày thành lập tỉnh (9-2-1913 đến 9-2-2013), song những cư dân miền xuôi, kể cả người Pháp, Bồ Đào Nha đã có mặt nơi này từ năm 1848 trước ngày ra đời “Đại lý Kon Tum” đến 65 năm.

Nếu như những người miền núi dọc sông Ba cùng những cư dân miền xuôi làm nên phong trào Tây Sơn uy dũng thì 70 năm sau, những buôn làng dân tộc thiểu số dọc sông Đăk Bla chào đón cư dân miền xuôi cùng nhau dựng nên Bắc Tây Nguyên trù phú ngày nay.

Theo ngôn ngữ của người Ba Na: “Kon” là làng, “Tum” là hồ nước. Nguyên thủy của tên gọi “Kon Tum” là “Làng Hồ” - chỉ một làng nhỏ của người Ba Na sống gần bên hồ nước cạnh dòng sông ĐăkBla.

Kon Tum in đậm nhiều cuộc xâm chiếm của Chiêm Thành, Chân Lạp, Xiêm La, cũng như sự thu phục của nhà Lê từ năm 1471 và nhà Nguyễn sau này.

Tuy nhiên, ở Kon Tum trước khi có sự xuất hiện của những cư dân Việt chỉ có hình thái tổ chức phổ biến duy nhất là Làng. Làng được xem như một đơn vị hành chính chi phối mọi hoạt động của đời sống xã hội.

Đứng đầu mỗi làng có già làng, là người có uy tín nhất, có khả năng tập hợp dân làng trong tổ chức của mình.

Đi trên vùng đất Kon Tum khi đất trời xôn xao vào Xuân, lòng người nô nức chào đón một thế kỷ ngày ra đời tên gọi của một tỉnh, những ai đã gắn bó lâu dài với mảnh đất này không khỏi rưng rưng với chiều sâu lịch sử-văn hoá của tỉnh: Này là nhà Ngục Kon Tum, Ngục Đăk Glei nơi lưu đầy những chí sĩ Cách mạng trung kiên đầu tiên của Đảng ta. Này là Măng Đen, Tu Mơ Rông, Đăk Tô những địa danh gắn với chiến công oanh liệt mà các cường quốc Pháp, Mỹ nghe đến đều rợn người.

Chùa Bác Ái-ở Làng Hồ, một trong số ít chùa chiền Tây Nguyên được Vua ban sắc tứ. Sau ngày nước nhà thống nhất, đại công trường thủy lợi Đăk Uy ghi dấu ấn một thời “tự túc tự cấp” lương thực thực phẩm, mở mang ra huyện Đăk Hà trù phú bây giờ.

Từ “Làng Hồ” ven sông Đăk Bla ngày nào với phương thức sản xuất duy nhất là phát đốt, chọc tỉa, ngày 10-4-2009, Chính phủ ban hành Nghị định 15/NĐ-CP về thành lập thành phố Kon Tum, một thành phố khang trang, hiện đại bên bờ sông thơ mộng bậc nhất Tây Nguyên.

Khởi sắc Kon Tum

Tháng 10-1975 tỉnh Kon Tum chỉ có 736,3 ha đất vừa mới khai hoang, 471 ha được phục hoá, tổng diện tích đất gieo trồng của tỉnh là 14.661 ha và 3.114 con trâu bò thì nay nhìn những con số thống kê do UBND tỉnh đưa ra thấy thật ấm lòng.

Tăng trưởng mọi mặt ở Kon Tum phải kể đến sau ngày tái lập tỉnh năm 1991: GDP tăng dần qua các thời kỳ, giai đoạn 1992-1995 đạt 9,15%/năm; 1996-2000 đạt 9,85%/năm; 2001-2005 đạt 11%/năm; 2005-2010 đạt 14,51%/năm.

Năm 1992, tỷ trọng công nghiệp-xây dựng 7,4%. Đến năm 2010 tỷ trọng công nghiệp - xây dựng 24,1%.

Thu nhập bình quân đầu người/năm tăng liên tục qua các năm: Năm 1992 là 88,6 USD; đến năm 2012 đạt hơn 1.000 USD. Tổng thu ngân sách năm 2000 đạt gần 82 tỷ đồng đến năm 2012 đạt gần 1.600 tỷ đồng.

Về văn hoá, xã hội, giáo dục y tế, an ninh quốc phòng đều có bước chuyển mạnh mẽ. Hệ thống trường lớp, đội ngũ giáo viên, càng tăng về số lượng và chất lượng. Nếu năm 1991 tỷ lệ mù chữ trong độ tuổi 15 - 25 là 46,6%, thì đến năm 2004 còn 6,3%.

Năm 2000, tỉnh được công nhận phổ cập giáo dục tiểu học và xoá mù chữ; năm 2010 được công nhận đạt chuẩn quốc gia về Phổ cập giáo dục Trung học cơ sở.

Khi tái lập tỉnh, tỷ lệ hộ đói, nghèo trên 65%, đến nay toàn tỉnh không còn hộ đói kinh niên, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới cuối năm 2012 giảm xuống còn 23,34%.

Năm 1991 lúc mới chia tách, tỉnh Kon Tum được xem là một tỉnh vùng sâu vùng xa, biên giới đầy khó khăn với dân số chỉ 23 vạn, 5 huyện thị xã thì nay Kon Tum đã có gần nửa triệu người, gấp đôi so với 20 năm trước; các đơn vị hành chính trực thuộc cũng tăng lên 9 huyện, thành phố.

Sau hơn 20 năm chia tách đó là hệ thống hạ tầng cơ sở đặc biệt là mạng lưới giao thông đã toả về khắp các huyện, xã trong tỉnh.

Trước đây Kon Tum bị xem là ngỏ cụt thì nay thông thương đi mọi hướng: Phía Bắc đường Hồ Chí Minh nối với Quảng Nam, Đà Nẵng, phía Nam xuôi về Gia Lai, Bình Định, phía Tây qua Lào, Campchia, phía Đông theo quốc lộ 24 xuống Quảng Ngãi…Rồi quốc lộ 14C dọc sườn Tây đã thông thương; tuyến đường từ Quốc lộ 14 ở Đăk Tô đi Tu Mơ Rông qua Quãng Nam cũng gấp rút thi công.

Đường vành đai Ngọc Hoàng-Măng Bút-Tu Mơ Rông-Ngọc Linh bao bọc sườn đông tỉnh nối 2 quốc lộ 24 và 14 khi hoàn thành sẽ giúp mạng lưới giao thông Kon Tum đều khắp.

Tự hào với thành quả to lớn, với thế và lực của tỉnh trong những chặng đường lịch sử đã qua, Đảng bộ, nhân dân Kon Tum quyết tâm xây dựng tỉnh Kon Tum ổn định, phát triển và cơ bản thoát nghèo vào năm 2015 như mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XIV Đảng bộ tỉnh đề ra; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng đất nước ”Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.