Hướng dẫn viên du lịch trở thành tình nguyện viên
- "Alo! Anh Dương xuống khu nhiễm A thay oxy giùm...
- Khu nhiễm D chuyển bệnh nhân anh ơi... " - là tiếng gọi gấp gáp của nhân viên trực điện thoại bên Công tác xã hội khi các khoa cần gấp oxy cho bệnh nhân.
Tiếng điện thoại réo liên tục ngày đêm, những người như anh Dương (làm nhiệm vụ vận chuyển và thay bình oxy cho bệnh nhân), nhân viên trực điện thoại "áp lực" không dám ngủ sâu, luôn canh chuông báo 24h tại Bệnh viện Nhiệt đới quận 5, TPHCM.
Anh Dương trong lúc làm nhiệm vụ. |
Vốn là một hướng dẫn viên du lịch và nhà tạo mẫu, anh Nguyễn Tùng Dương (sinh năm 1984, sống tại TP Thủ Đức) sau khi chứng kiến những người làm nhiệm vụ y tế khá vất vả tại khu nhà của mình trong thời gian bị phong tỏa liền đăng ký trở thành tình nguyện viên tại Bệnh viện Nhiệt đới quận 5, TPHCM (cuối tháng 7) với mong muốn góp một phần công sức nhỏ bé vào công cuộc chống dịch.
Ban đầu, Tùng Dương làm nhiệm vụ trong khâu vận chuyển bình oxy từ khu tập kết đến các khoa (gọi là vòng ngoài), sau 5 ngày, anh xin chuyển vào vòng trong, nhận nhiệm vụ thay bình oxy trực tiếp cho người bệnh.
Ám ảnh lớn nhất của Dương khi mới vào vòng trong đó là lần đầu thấy những bệnh nhân nặng, nguy kịch bị ghim hàng chục thiết bị lên người, xung quanh nhiều máy móc hỗ trợ. "Mình xót xa lắm, rồi chững lại khi thấy những bệnh nhân không qua khỏi, những bệnh nhân lớn tuổi nằm bất động hoặc tìm tư thế nằm cho dễ thở hơn... ", anh Dương bần thần nhớ lại.
Nhận tin mẹ mình bị nhiễm COVID-19, bản thân nghi bị nhiễm... trong cùng một ngày
Điều khiến anh Dương nhớ mãi đó là khi phải nhận 3 tin không vui trong một ngày - hôm 9/8: "Hôm ấy, cảm giác đầu tiên của mình là lo lắng khi thấy có triệu chứng bất thường, lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính xong mình mới an tâm hơn phần nào.
Rồi mình lại có cảm giác hụt hẫng, bứt rứt khi chứng kiến bệnh nhân không qua khỏi... và bàng hoàng nghe tin mẹ bị nhiễm COVID-19.
Lúc đó tự trách mình đang giúp người nhưng lại không thể giúp gì cho mẹ, mình thấy bản thân vô dụng lắm. Rồi mình liên hệ tổ phản ứng nhanh địa phương và được hỗ trợ nhanh chóng, được các dược sĩ, y bác sĩ ở bệnh viện tư vấn về các triệu chứng thì mình bớt lo. Ngày nào mình cũng nhắn cả chục tin hỏi thăm tình hình của mẹ, ơn trời mẹ đã vượt qua được và giờ đã âm tính".
Phải chứng kiến nhiều hoàn cảnh ra đi giữa đại dịch, anh Dương bộc bạch: "Ranh giới giữa sự sống và cái chết thật mong manh, vì thế hãy luôn lạc quan, sống có giá trị, làm mọi thứ tốt đẹp trong cuộc sống để khi gặp khó khăn, ta sẽ sẵn sàng đón nhận và đấu tranh giành lại sự sống, vượt qua cửa tử".
Làm việc nhiều giờ trong bộ đồ "xông hơi di động", nhìn chai nước giống một món hàng xa xỉ...
Với cường độ làm việc khoảng 12 tiếng một ngày, khi cao điểm, anh Dương phải thay hơn 5 bộ đồ bảo hộ tùy vào lượng bệnh nhân. Chia sẻ với Tiền Phong về lúc cơ thể rơi vào trạng thái mệt mỏi nhất, chàng trai 8x nói: "Đó là khi bệnh viện thi công hệ thống oxy âm tường, nhóm của mình phải chuyển bệnh nhân từ khoa này sang khoa khác. Lúc này, đầm mình 5 tiếng trong bộ đồ bảo hộ và hoạt động với cường độ cao, chạy đua với thời gian... mình ngước lên nhìn chai nước suối giống như một món hàng xa xỉ mà không với tới được".
Từ một hướng dẫn viên sang làm tình nguyện viên, anh Dương phải “học” thêm những kiến thức về cách bảo vệ bản thân, kiến thức y tế để phụ công việc trong bệnh viện. Rồi tự rèn luyện sức khỏe bằng cách xem nhiệm vụ mỗi ngày phải làm để tập thể dục, cố gắng ăn uống đầy đủ, về nhà giải trí cho đầu óc nhẹ nhàng. Anh Dương nói vui, chưa bao giờ thấy bản thân lại có nhiều năng lượng như lúc này.
Anh Dương đặt máy quay để kiểm tra xem mình đã đủ kín chưa bởi khi vào bên trong sẽ không quay, cầm điện thoại theo. |
Trong thời gian nghỉ trưa, anh Dương tình cờ nghe thấy tiếng nhạc của bạn TNV kế bên mở, lại đúng bài sở trường nên anh đã tận dụng luôn khu nghỉ ngơi làm sân khấu biểu diễn điệu nhảy hiphop sôi động, cổ vũ mọi người sau những giờ làm việc căng thẳng. |
Tuy còn gặp một số khó khăn nhưng anh luôn có nhiều năng lượng để hoàn thành nhiệm vụ mỗi ngày, không chậm trễ khi đưa oxy tới người bệnh. Thậm chí, anh Dương vừa nhận thêm nhiệm vụ mới đó là hỗ trợ y tế chuyển bệnh nhân tử vong tại Bệnh viện Nhiệt đới.