Từ hội gà Hồ

Từ hội gà Hồ
TP - Ngày 9-2 âm lịch vừa qua, tại làng Hồ xưa (nay thuộc thị trấn Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh) đã tổ chức hội thi gà Hồ theo thể thức mới, phản ánh được nét văn hóa độc đáo của một làng quê có truyền thống nuôi những con gà tiến vua.

> Gà biếu tiền triệu 'cháy hàng'
> Đệ nhất Kỳ Kê

Phát huy truyền thống

Dân làng Lạc Thổ Bắc của thị trấn Hồ, cho biết đây là cuộc thi lần thứ tư, sau khi bị gián đoạn 13 năm. Chắc phải đợi khá lâu mới lại có cuộc thi này, nên từ sáng sớm không khí lễ hội tại đây đã rất náo nhiệt.

Những con gà dự thi được chủ nhân đưa đến nhận mã số, rồi xếp hàng chờ tới lượt để Ban Giám khảo chấm. Ông Nguyễn Đăng Chung, Hội trưởng Hội chăn nuôi gà Hồ, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết, sẽ chọn ra những đôi trống mái, đơn trống và đơn mái để trao các giải nhất, nhì, ba cho từng loại. Ban Giám khảo là những người nuôi gà Hồ lâu năm, nhất thiết không có gà tham gia hội thi.

Gà Hồ dự thi được đánh giá theo những tiêu chí nghiêm ngặt. Gà trống phải đạt trọng lượng từ 4kg trở lên, đầu gộc, mang màu mã mận (màu mận chín) hoặc mã lĩnh (màu đen), mào xít hoặc mào nụ, chân cao tròn và to vừa phải, vẩy mịn màu da hạt đậu nành, đuôi nơm.

Gà mái ngoài việc có đầy đủ các tiêu chí như gà trống, phải đạt trọng lượng từ 3kg, lông mang màu mã thó (trắng màu đất thó), mã sẻ (lông chim sẻ), mã nhãn (màu quả nhãn chín). Tổng điểm của các con gà tham gia cuộc thi là 80, trong đó cân nặng chiếm một nửa số điểm, nửa số điểm còn lại chia đều cho 5 tiêu chí gồm đầu, mào, mã, chân, đuôi.

“Do đặt ra tiêu chí rõ ràng, nên những con gà có trọng lượng lớn chưa chắc đã chiến thắng, mà phải sở hữu những số đo hài hòa, chuẩn về mẫu mã”- ông Chung cho biết.

Giải nhất cặp thuộc về đôi gà của ông Đỗ Tá Dũng, giải nhất đơn trống thuộc về gà của ông Nguyễn Văn Hệ, giải nhất đơn mái là gà của ông Nguyễn Văn Mậu... “Những cặp gà, con gà đoạt giải lần này hội tụ khá đầy đủ các tiêu chí của một con gà Hồ”- ông Chung nói.

Dù là “một miếng giữa làng” nhưng không phải vì thế mà người có gà dự thi cảm thấy cay cú khi không đoạt giải. Cặp gà của anh Nguyễn Văn Hải (tức Hải Tuyết), một người giàu có tiếng trong vùng, chỉ đoạt giải ba. Anh Hải nói: “Công việc kinh doanh khiến nhiều lúc tôi phải ăn vận lịch sự. Nhưng sau những lúc đó, tôi thường xuyên dọn chuồng gà mà không sợ bẩn, vì đó là thú vui của mình”.

Còn ông Nguyễn Hữu Tiến, chỉ có con mái đoạt giải ba, nhưng vẫn thoải mái cho tôi xem trên cánh đôi gà của mình đã được gắn số để theo dõi quá trình phát triển cũng như con của chúng sau này.

“Một số con gà của địa phương chúng tôi đã được Trường Đại học Nông nghiệp 1 và Quỹ Môi trường toàn cầu tiến hành kẹp số để theo dõi sự phát triển, nếu tốt sẽ bảo tồn gen. Đây là điều mọi người rất tâm đắc, vì qua đó giống gà của địa phương sẽ được nghiên cứu, bảo tồn”- ông Tiến nói.

Thi gà Hồ thành đặc sản

Ông Nguyễn Đăng Chung kể: Năm 1991, khi làm trưởng thôn Lạc Thổ Bắc, ông đã nghe các cụ cao niên trong làng kể về truyền thống nuôi gà Hồ và những cuộc thi gà của địa phương. Thời xưa, một số hộ gia đình tại làng Hồ có trách nhiệm nuôi một con gà trống thật đẹp dùng làm gà thờ dự thi.

Gà trống sau khi được làm lông, mổ moi, luộc chín, tối thiểu phải cân nặng bằng ba quan tiền (mỗi quan nặng khoảng 1,2kg) mới được đem dự thi. Khi đó gà được bày trên mâm thau, cổ vươn cao, thân mập tròn, da bóng, hai cánh xoè ra, chân quỳ, mỏ ngậm hoa hồng và có mảnh giấy ghi tên người nuôi.

Gà được rước ra đình để tế thần hoàng làng, sau đó đem cân và chấm thi. Giải thưởng thường giành cho những con gà có cân nặng nhất.

Tại thời điểm trên, truyền thống nuôi gà Hồ được khôi phục. Năm 1992, với cương vị là Hội trưởng Hội chăn nuôi gà Hồ của địa phương, ông Nguyễn Đăng Chung cùng các thành viên trong hội đã tổ chức lại cuộc thi gà Hồ.

Tuy nhiên, nét mới của cuộc thi hiện nay là sẽ thi gà Hồ còn sống: “Sở dĩ chúng tôi chọn thể thức thi như vậy vì ba điểm có lợi. Thứ nhất sẽ tăng thêm nét văn hoá độc đáo của địa phương trong các ngày lễ hội của làng; thứ hai là bảo tồn, nhân giống phát triển con gà Hồ của địa phương; thứ ba, khuyến khích người dân tăng thu nhập từ chăn nuôi”.

Vì sao cuộc thi không được tổ chức thường niên, mà lại gián đoạn? Ông Chung ngậm ngùi: “Vấn đề chủ yếu do kinh phí. Tuy nhiên những năm không có cuộc thi, chúng tôi vẫn tổ chức triển lãm gà Hồ để mọi người đến xem vào những dịp hội làng”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đề xuất miễn thuế để đưa cổ vật về nước
Đề xuất miễn thuế để đưa cổ vật về nước
TPO - Nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng cơ chế về thuế hiện nay đang gây khó khăn trong việc hồi hương cổ vật. Theo đó, nhiều chuyên gia đề xuất miễn thuế hoàn toàn để mở rộng con đường hồi hương cổ vật. Đây là thông tin được đưa ra tọa đàm góp ý Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) do Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức ngày 28/3.