Đơn giản, hầu hết loài vật hoang dã đã chuyển khẩu vào nồi cao, bình rượu, nhà hàng... Thủ phạm trực tiếp làm rỗng rừng là bẫy dây tự chế, rẻ tiền, cực kỳ hiệu quả, béo gầy lớn bé dính tuốt. TS Thomas Gray- chuyên gia của tổ chức Wildlife Alliance so sánh: “Nếu tất cả người dân sống gần khu vực rừng được bảo vệ đều được trang bị súng thì việc suy giảm các loài động vật rừng hoang dã cũng không nghiêm trọng như dùng bẫy dây để bắt chúng”. Một số loại bẫy còn được bày bán công khai trên các chợ điện tử. Các nước trong khu vực cũng đang ở những giai đoạn khác nhau của hiện tượng rỗng rừng. “Nhiều loài mới sẽ biến mất trước khi khoa học có thể khám phá ra chúng” là cảnh báo của Thời báo New York. Lại nghe nói một số cánh rừng bên ngoài vẫn hoành tráng, nhưng trong lòng lại rỗng… gỗ quý vì các “quan tham”, “trọc phú” đã xí phần hết rồi(?).
Như vậy chỗ chính ra của động thực vật thì lại vắng bóng chúng. Cũng như chùa lại… toàn du khách. Hiện có những ngôi chùa lớn tưởng đủ chỗ cho cả nghìn người tu học, nhưng thay vào đó là hàng trăm người làm công tác phục vụ du khách, vì chùa chính là điểm du lịch. Các khu du lịch tâm linh đang có “nguy cơ” mọc lên khắp nơi chiếm dụng quỹ đất ngày càng lớn với mật độ sư ở trong tiệm cận cực tiểu.
Hiện tượng rỗng ruột không chỉ có trong các công trình xây dựng (bị ăn bớt nguyên vật liệu) mà có thể tìm thấy ở khắp nơi. Chẳng hạn đường sắt trên cao rỗng tàu, rỗng cả hành khách. Chỉ một đoạn đường Cát Linh - Hà Đông hơn 13km xây từ tháng 10/2011, sau 5 lần lùi tiến độ vẫn chưa thể vận hành. Rồi thì những đô thị càng lớn thì càng rỗng… hệ thống thoát nước. Những trận mưa thường kỳ cũng có thể thành thảm họa làm gián đoạn nhịp sống bình thường.
Không khí thành phố bây giờ cũng đang rỗng ô-xy, thay vào đó là khí thải, bụi mịn… Chỉ có bệnh viện là có vẻ ít rỗng nhất, giường 2-3 bệnh nhân, nằm cả dưới gầm, tràn ra hành lang là bình thường. Nói chung những biểu hiện rỗng bên ngoài khá dễ thấy, chỉ có bên trong trái tim và khối óc con người là khó kiểm tra mà thôi!