Tư duy cũ

Tư duy cũ
TP - Đầu năm mới, đi đâu gặp doanh nghiệp cũng được nhắc tới câu “Chính phủ đồng hành, Chính phủ kiến tạo” như kỳ vọng, gửi gắm. Kinh doanh mà phải nhìn trước ngó sau, mải đi quan hệ chạy chọt, làm sao doanh nghiệp phát triển.

Thấu hiểu điều đó, ngay khi vừa nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp với các doanh nhân tại Dinh Thống Nhất. Rồi đúng dịp kỷ niệm Ngày doanh nhân Việt Nam (13/10), Thủ tướng phát động “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” và nhấn mạnh nhiều tới cải thiện môi trường kinh doanh giúp doanh nghiệp phát triển.

Thế nhưng, chỉ mới ít ngày gần đây, câu chuyện một doanh nghiệp vận tải được độc quyền kinh doanh tại 7 địa phương trong 5 năm đang có dấu hiệu đi ngược với câu chuyện cạnh tranh bình đẳng. Cũng Bộ GTVT, chỉ cách đây mấy tháng, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa từng lo ngại hàng không “vét khách” của đường sắt khi thấy hành khách chọn hàng không nhiều hơn. Tư duy độc quyền, tư duy ưu đãi hay thiên vị là biểu hiện của cạnh tranh bất bình đẳng, phi thị trường. Điều mà tại Diễn đàn Kinh tế thế giới với chủ đề “Lãnh đạo trách nhiệm và hành động” (cuối tháng 1/2017), Thủ tướng nói rất rõ: “Chính phủ Việt Nam tập trung mọi nguồn lực, khả năng để xử lý vấn đề thể chế theo thông lệ quốc tế và theo kinh tế thị trường, trong tất cả các lĩnh vực…”. Có thể thấy, người đứng đầu Chính phủ không những khẳng định với cộng đồng doanh nghiệp trong nước về môi trường cạnh tranh bình đẳng (và cả phát triển bền vững bằng việc bảo vệ môi trường sinh thái), mà còn cam kết tinh thần đó trước thế giới. Ấy vậy mà, dường như đâu đó, vẫn còn một vài biểu hiện tư duy ngược với kinh tế thị trường, trái với cam kết của Thủ tướng.

Làm sao để những quyết tâm của Chính phủ lan tỏa xuống các bộ ngành, địa phương? Các bộ ngành, địa phương phải là những cánh tay nối dài của Chính phủ chứ không thể cát cứ, như có lo ngại mỗi địa phương là một nền kinh tế.

Cách đây mấy hôm, tỉnh Vĩnh Phúc tuyên bố tạm dừng chủ trương nghiên cứu triển khai lập quy hoạch xây dựng khu nghĩa trang “chiếm” đất rừng phòng hộ tại xã Bồ Lý (Tam Đảo). Nếu nghĩa trang này được xây dựng, hơn 100 ha rừng phòng hộ coi như mất trắng, chưa kể một miền danh thắng như Tam Đảo có nguy cơ bị ảnh hưởng… Người ta chỉ thấy cái lợi trước mắt, mà bỏ qua tiềm năng du lịch và quên đi khái niệm “phát triển bền vững”. Thời buổi toàn cầu, cách moi tài nguyên hay tàn phá môi trường được xem như một sự lạc hậu về tư duy. Hoặc chỉ có nhóm lợi ích thao túng nên mới có thể bất chấp.

Chắc chắn, những tư duy cũ, lạc hậu sẽ không có đất sống giữa không khí “Chính phủ đồng hành, Chính phủ kiến tạo”, dù cho chúng đang là những thách thức không nhỏ.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.