Thí sinh có rất nhiều lựa chọn để nộp hồ sơ vì hiện nay rất nhiều trường đào tạo ngành tự động hóa (TĐH) như: ngành TĐH xí nghiệp công nghiệp của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội; tự động hóa nằm trong nhóm ngành Kỹ thuật điện của ĐH Công nghiệp kĩ thuật Thái Nguyên, ĐH Bách khoa Đà Nẵng, ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Sư phạm kĩ thuật TP.HCM,...
Ngoài ra, một số trường ĐH thành lập bộ môn tự động hóa phù hợp với từng chuyên ngành của trường mình. Như Bộ môn TĐH thiết kế cầu đường của Trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội, Bộ môn Điện và Tự động tàu thủy của ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, Bộ môn TĐH xí nghiệp mỏ và dầu khí của ĐH Mỏ Địa chất Hà Nội…
Một số yêu cầu về kiến thức và kỹ năng
Theo trường ĐH Giao thông Vật tải TP HCM, học tự động hóa cần có kiến thức cơ bản về khoa học tự nhiên và xã hội và cần có khả năng vận dụng chúng vào việc tiếp cận khai thác các thông tin và kiến thức mới; có khả năng sử dụng khoa học cơ bản vào nghiên cứu và phát triển học thuật.
Ngoài ra, bạn cũng cần cần có thêm các kỹ năng mềm như: Có khả năng làm việc độc lập, làm việc theo nhóm; có khả năng tổ chức sản xuất, quản lý dự án; có tư duy độc lập và sáng tạo; Có khả năng suy luận và thuyết trình logic.
Cơ hội nghề nghiệp rộng mở
Sau khi tốt nghiệp, bạn sẽ có rất nhiều vị trí công tác và cơ hội việc làm như: Kỹ sư vận hành và bảo trì (bảo đảm vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa các hệ thống điện, điện tử, tự động); Kỹ sư điện tự động hóa (vận hành bảo dưỡng sửa chữa các thiết bị và hệ thống tự động của các nhà máy, xí nghiệp); Chuyên gia hệ thống (phân tích nhu cầu về hệ thống điện, tự động hoá của các công ty, nhà máy); Chỉ huy các dự án (thiết kế, xây lắp các hệ thống tự động và tham gia thi công các dự án đó); Kỹ sư thiết kế (thiết kế các hệ thống tự động hóa cho nhà máy, xí nghiệp); Kỹ sư lập trình ứng dụng (lập các chương trình điều khiển cho hệ vi xử lý, PLC, CNC, các bộ điều khiển lập trình); Tư vấn (cung cấp các tư vấn, giải pháp trong lĩnh vực tự động, tham gia các chương trình huấn luyện nhân viên và giáo dục đào tạo); hoặc có thể làm giảng viên tại các trường đại học, cao đẳng, …
Cơ hội và khả năng học tập, nâng cao trình độ
Đối với các thí sinh muốn tiếp tục học tập để nâng cao trình độ, có thể tiếp tục nghiên cứu sau đại học các chuyên ngành thuộc lĩnh vực Kỹ thuật điện, Điều khiển tự động; Cơ điện tử; nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật công nghệ mới trong các lĩnh vực điện, tự động hóa và các lĩnh vực liên quan.
Hệ thống tự động hóa có mặt trong mọi dây chuyền sản xuất của các ngành kinh tế khác nhau như: công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải… Bởi vậy, cơ hội nghề nghiệp của người làm việc trong ngành này là rất lớn.
Nếu bạn được đào tạo về lĩnh vực Tự động hóa, bạn có thể chọn những nơi làm việc phù hợp ở các dây chuyền sản xuất hiện đại trong công nghiệp như dây chuyền sản xuất xi măng, dây chuyền sản xuất giấy, dệt, các dây chuyền xử lý nước thải… Hoặc bạn có thể vận hành, thiết kế hệ thống tự động hóa đèn giao thông thành phố, hệ thống điều khiển và tín hiệu giao thông v.v… Trong nông nghiệp, bạn có thể thiết kế hệ thống tự động hóa trong trồng rau sạch…
Làm việc trong ngành Tự động hóa, bạn có điều kiện tiếp xúc với các máy móc và dây chuyền sản xuất hiện đại với trình độ cơ khí bậc cao, có điều kiện nghiên cứu các kỹ thuật điều khiển tiên tiến, sử dụng, vận hành hệ thống máy tính công nghiệp hiện đại.
Ngoài việc tham gia vận hành hệ thống tự động hóa hiện đại đươc nhập từ nước ngoài, bạn có thể trực tiếp tham gia hiệu chỉnh hệ thống, thiết kế một số khâu trong các hệ thống đó.
Theo Viện Khoa học lao động và xã hội, tự động hóa là 1 trong những lĩnh vực nghề hot nhất, có nhu cầu tuyển dụng lớn hiện tại và trong tương lai gần.
Điểm chuẩn ngành Tự động hóa năm 2010 của ĐH Bách Khoa HN: 21 điểm ĐH Bách khoa Đà Nẵng: 17 điểm ĐH Công nghiệp HN: 16 điểm ĐH Công nghiệp kĩ thuật Thái Nguyên: 13 điểm ĐH Hàng Hải: 14,5 điểm ĐH Điện lực: 15,5 điểm ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội: 17 điểm ĐH Giao thông Vật tải TP.HCM: 13,5 |