Từ 'điếc không sợ súng' đến tiến sĩ tế bào gốc

TS Vũ Bích Ngọc (giữa) đang trao đổi chuyên môn với các đồng nghiệp trong Viện Tế bào gốc. Ảnh: Đ.D.
TS Vũ Bích Ngọc (giữa) đang trao đổi chuyên môn với các đồng nghiệp trong Viện Tế bào gốc. Ảnh: Đ.D.
TP - Là nhà khoa học nữ trẻ duy nhất nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc có nhiều công trình thành công, TS Vũ Bích Ngọc vừa được bình chọn là 1 trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2017.

Năm 2017, với những công trình nghiên cứu thành công của mình, TS Vũ Bích Ngọc đã được trao giải thưởng Quả Cầu Vàng. Giải thưởng do T.Ư Đoàn chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức trao cho các tài năng trẻ xuất sắc về khoa học kỹ thuật hằng năm.

“Chọn đại” ngành tế bào gốc

Thẳng thắn, cởi mở và chân tình, đó là những gì mà chúng tôi cảm nhận khi tiếp xúc với TS Vũ Bích Ngọc (Viện Tế bào gốc, trường ĐH Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM). Cô tự nhận mình là tuổi con Cọp (sinh năm Bính Dần 1986). Khi chưa lập gia đình, bản thân cũng khá… dữ dằn. Thấy chuyện không vừa lòng, chướng tai, gai mắt là lên tiếng, không sợ đụng chạm, mất lòng. Còn bây giờ, sau khi lấy chồng, bản thân bỗng hoá thành Cọp…hiền, biết nhẫn nhịn, chịu đựng, biết cách tự kiềm chế bản thân.

TS Ngọc quê Thái Bình, còn quê chồng ở miền Trung. Cả hai đều lớn lên, học tập rồi lập nghiệp ở đất Sài Gòn. Ra trường chung nghề rồi khi thành đôi cũng cùng chung một cơ quan công tác là trường ĐH Khoa học tự nhiên. “Mình lấy chồng hơi muộn, ngoài 30, được bạn bè, đồng nghiệp hay gọi là hai vợ chồng… son. Cũng được cái là anh chồng đằm tính, biết chiều và hết lòng thương vợ. Anh ấy làm cùng nghề, cùng ngành nên ủng hộ vợ hết mình để vợ toàn tâm toàn ý trong công tác nghiên cứu khoa học. Chồng mình cũng khuyên mình bớt cái nóng tính đi bằng cách hàng ngày nghe kinh Phật. Nghe để cái tâm mình an, nghe để cái đầu mình tĩnh, gác bỏ hết mọi sự trong tâm hồn, trong cái tôi của mình. Nóng giận chỉ hại mình thôi vì nóng giận thì mất khôn, mà người làm khoa học như mình, mất khôn, mất bình tĩnh là chuyện tối kỵ. Mình ngoan ngoãn nghe lời chồng”, TS Bích Ngọc bộc bạch.

“Chỉ cần có cơ sở vật chất, kinh phí và đặc biệt là niềm tin, chúng tôi có thể làm được bất cứ điều gì. Người Việt mình đi đâu đều được đánh giá có trình độ chuyên môn tốt. Nếu nhà nước có cơ chế cho các nhà khoa học trẻ, cho họ thấy được rằng có thể sống khoẻ bằng nghiên cứu, thì những đóng góp cho đất nước là vô bờ bến”.

TS Vũ Bích Ngọc

Về chặng đường từ sinh viên ngành Sinh học trở thành một chuyên gia ngành tế bào gốc, TS Bích Ngọc kể, sau khi tốt nghiệp ĐH, chưa biết chọn cho mình một hướng đi cụ thể nên “chọn đại” ngành tế bào gốc, theo kiểu “điếc không sợ súng”. Như là một định mệnh, bước vào một ngành mới lạ, cô may mắn gặp được thầy là Thạc sỹ Phan Kim Ngọc, Trưởng phòng Tế bào gốc đầu tiên của trường ĐH Khoa học Tự nhiên, đã giúp đỡ cô tận tình. Thầy không chỉ chỉ bảo cho cô về nghiên cứu khoa học, thậm chí còn giúp cô cả về tiền bạc để có điều kiện theo đuổi ngành tế bào gốc.

Có thể đóng góp vô bờ bến!

Giới chuyên môn và cả người bệnh hiện không còn xa lạ gì với các liệu pháp chữa trị bệnh bằng tế bào gốc. TS Bích Ngọc cùng đồng nghiệp nghiên cứu thành nhiều liệu pháp chữa trị bằng tế bào gốc các bệnh như:  Tiểu đường, tim mạch, ung thư vú, xương khớp… Những nghiên cứu thành công này đã mở ra nhiều hướng, nhiều lựa chọn để điều trị cho bệnh nhân với những ưu điểm như: Thời gian chữa trị nhanh, hiệu quả điều trị cao, giá rẻ…

Hiện TS  Bích Ngọc làm chủ nhiệm hai đề tài nghiên cứu: Tạo mô sụn nhân tạo và Điều trị tổn thương sụn xương bằng công nghệ vi mô. Đây là công nghệ tạo sụn mới từ tế bào gốc, điều mà trước đây y học “bó tay” vì không có cách gì tái tạo sụn khi bị thoái hoá. Liệu pháp mới này giúp người bệnh bớt đau đớn về xương khớp và bác sĩ điều trị cũng có nhiều lựa chọn để tư vấn cho bệnh nhân. Cô cũng là trưởng nhóm Cơ - Xương - Khớp của Viện Tế bào gốc thuộc Đại học Quốc gia TPHCM, đưa ra những hướng nghiên cứu trong tương lai: Nghiên cứu xây dựng các mô hình động vật bệnh lý về cơ - xương - khớp; nghiên cứu về cơ chế bệnh lý các bệnh về cơ - xương - khớp; nghiên cứu thiết lập các quy trình công nghệ sử dụng tế bào gốc và/hoặc chế phẩm có hoạt tính sinh học trong điều trị các bệnh lý về cơ - xương - khớp; nghiên cứu chế tạo các mô nhân tạo ứng dụng trong điều trị bệnh lý về cơ - xương - khớp.

Nói về cái “máu lửa” trong nghiên cứu khoa học của mình, TS Bích Ngọc chia sẻ: “Nhà khoa học trẻ là một trong những nguồn nhân lực thúc đẩy nền khoa học công nghệ trong nước phát triển mạnh mẽ. Ở độ tuổi này, người ta có nhiều thời gian, dám nghĩ, dám làm. Chỉ cần có cơ sở vật chất, kinh phí và đặc biệt là niềm tin, chúng tôi có thể làm được bất cứ điều gì. Người Việt mình đi đâu đều được đánh giá có trình độ chuyên môn tốt. Nếu nhà nước có cơ chế cho các nhà khoa học trẻ, cho họ thấy được rằng có thể sống khoẻ bằng nghiên cứu, thì những đóng góp cho đất nước là vô bờ bến”.

MỚI - NÓNG