Hướng tới Đại hội XIII của Đảng

Từ Đại hội XI đến Đại hội XIII

TP - Theo ông Nguyễn Đức Hà, Nguyên Vụ trưởng Vụ cơ sở Đảng, Ban Tổ chức T.Ư, Đảng đã nhìn thẳng vào sự thật về “một bộ phận không nhỏ”; thể hiện sự quyết liệt trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, qua đó góp phần quan trọng làm cho Đảng ta đoàn kết thống nhất hơn; trong sạch, vững mạnh hơn và củng cố, tăng cường hơn niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Bài 1: Nhìn thẳng vào sự thật về “một bộ phận không nhỏ”

Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, Báo cáo Chính trị trình Đại hội XI của Đảng đã chỉ rõ những hạn chế, yếu kém, nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Trên cơ sở đó, tại Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI, đồng thời tiến hành đợt sinh hoạt chính trị, tự phê bình và phê bình trong toàn Đảng, theo cách làm từ trên xuống dưới, trước hết là Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Từ Đại hội XI đến Đại hội XIII ảnh 1 Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ cơ sở Đảng, Ban Tổ chức T.Ư. Ảnh: Nhật Minh

Nhìn thẳng vào sự thật

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng diễn ra ngày 11/01/2011 tại Hà Nội. Trong bối cảnh đất nước đã trải qua 25 năm đổi mới và 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bên cạnh những thành tựu quan trọng đạt được, thì kinh tế, xã hội cũng phải đối diện với nhiều khó khăn thách thức. Tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống và tệ nạn quan liêu, tham nhũng, tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên đã gây ra nhiều bức xúc trong nhân dân.

Trước bối cảnh đó, chủ đề Đại hội cũng là tiêu đề của Báo cáo chính trị xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ lớn của toàn Đảng trong nhiệm kỳ tới là: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc; đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới; tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”…

Trong các văn kiện được Đại hội thông qua có nhiều nội dung mới, thể hiện sự phát triển nhận thức và tư duy lý luận của Đảng ta. Đặc biệt, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành (BCH) Trung ương (T.Ư) trình Đại hội đã nhìn thẳng vào sự thật, chỉ rõ những khuyết điểm, yếu kém của công tác xây dựng Đảng là: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi… đã làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước”.

Với tinh thần trách nhiệm cao, Đại hội bầu 1 lần đủ 200 Ủy viên BCH T.Ư với số dư gần 40%. Kết quả bầu cử cho thấy, 11 trường hợp được T.Ư khóa X giới thiệu, tuy không trúng cử nhưng đều đạt trên 50% số phiếu bầu; 11 trường hợp Ủy viên T.Ư khóa X không được T.Ư giới thiệu, được đại biểu đề cử đều không trúng cử; có 1 trường hợp T.Ư không giới thiệu, được đại biểu đề cử đã trúng cử Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư. Trong số 175 Ủy viên Trung ương chính thức có 11 người dưới 50 tuổi. BCH T.Ư khóa XI đã họp Hội nghị lần thứ nhất để bầu Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư. Trong 14 ủy viên Bộ Chính trị được bầu có 5 người mới; 1 trường hợp là người dân tộc thiểu số. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng được bầu giữ chức Tổng Bí thư với số phiếu tập trung rất cao.

Kiểm điểm từ trên xuống dưới

Để cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội về công tác xây dựng Đảng, Hội nghị T.Ư 4 khóa XI đã thống nhất cao việc ban hành Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và chọn đúng, trúng những vấn đề cấp bách nhất của công tác xây dựng Đảng là ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị…

Thực hiện nghị quyết T.Ư 4, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ đợt sinh hoạt chính trị, tự phê bình và phê bình trong toàn Đảng từ trên xuống dưới, trước hết là Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Sau hai tháng chuẩn bị báo cáo kiểm điểm của tập thể, cá nhân và tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc T.Ư và các đồng chí nguyên là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã gương mẫu kiểm điểm để toàn Đảng học tập, noi theo. Việc kiểm điểm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư được tiến hành nhiều đợt để vừa kiểm điểm, vừa chỉ đạo thực hiện các công việc thường xuyên của Đảng, Nhà nước.

Khi kiểm điểm cá nhân, Tổng Bí thư kiểm điểm trước, tiếp đến là các lãnh đạo chủ chốt và các lãnh đạo khác. Qua kiểm điểm, lần đầu tiên Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thống nhất cao đề nghị BCH T.Ư có hình thức kỷ luật đối với tập thể Bộ Chính trị và 1 Ủy viên Bộ Chính trị tại Hội nghị T.Ư 6. Việc kỷ luật tập thể và cá nhân tuy không được T.Ư thông qua, nhưng đã thể hiện trách nhiệm chính trị rất cao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trước Đảng, trước nhân dân. Tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Ban Chấp hành Trung ương công khai nhận khuyết điểm và xin lỗi toàn Đảng, toàn dân, để lại nhiều tình cảm tốt đẹp và ấn tượng sâu sắc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Lấy phiếu tín nhiệm trong Ðảng, cơ quan Nhà nước

Trong nhiệm kỳ Đại hội XI, lần đầu tiên BCH T.Ư xây dựng và thực hiện “Quy hoạch BCH T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo”; Quy định việc thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn trong các Hội nghị Trung ương; ban hành Quy định về thi hành Điều lệ Đảng; Quy định những điều đảng viên không được làm và Quy định về đảng viên làm kinh tế tư nhân. BCH T.Ư đã quyết định lập lại Ban Kinh tế T.Ư, Ban Nội chính T.Ư; kiện toàn Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư trực tiếp làm Trưởng ban…

Qua bốn năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI về xây dựng Đảng, tuy kết quả chưa đáp ứng được kỳ vọng, lòng mong đợi của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhưng đã nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về tình hình Đảng và sự cần thiết phải đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới. Việc thực hiện Nghị quyết đã có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe và phòng ngừa sai phạm đối với cán bộ, đảng viên; tạo tiền đề quan trọng để đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XII và những năm tiếp theo.

Trong nhiệm kỳ này, lần đầu tiên Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành Quy định về lấy phiếu tín nhiệm đối với các thành viên lãnh đạo cấp ủy và một số chức danh lãnh đạo cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp; Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội; Quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền... 

Theo Nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương
MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
TPO - TIN NÓNG ngày 19/4: Chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng của nhà đầu tư, hai lãnh đạo Công ty CP tập đoàn Tâm Lộc Phát bị bắt giữ; Cơ quan chức năng vào cuộc xác minh vụ thất thoát hơn 53 tỷ đồng quỹ di tích làng Đồng Kỵ; Biến tướng chiêu trò lừa đảo liên quan giải chạy marathon; Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố...