Vì sao tranh chấp, khiếu nại đất đai luôn chiếm tỉ lệ lớn và liên quan nhiều đến các dự án phát triển kinh tế, xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng? Phải chăng người dân không đồng thuận, không chia sẻ, không hài hòa lợi ích với doanh nghiệp và Nhà nước…? Thử google cụm từ “dân hiến đất mở đường”, trước mắt tôi hiện ra hàng trăm bài báo, hàng nghìn các tấm gương… Trên báo Tiền Phong, ngày 22/7/2022 viết: Ông Lại Văn Nghề (56 tuổi, ngụ phường Tân Tạo A, quận Bình Tân) tự nguyện hiến hơn 1.000m2 đất để mở rộng đường Nguyễn Văn Cự. Ông Nghề kể, thời điểm ông hiến đất, 1.000m2 có giá tương đương 450 cây vàng. Nhưng vì nghĩ rằng mở rộng đường sẽ khang trang sạch đẹp, có lợi cho cộng đồng nên gia đình đã tiên phong hiến đất. “Mình có nhiều đất, mình tiên phong làm thì mọi người cũng nhìn vào đó mà hiến đất theo”, ông Nghề chia sẻ. Tại Hội nghị tổng kết mới đây của Thành ủy TPHCM cho thấy, qua hơn 20 năm thực hiện phong trào vận động hiến đất làm đường, đã có hơn 168 nghìn hộ dân tham gia hiến khoảng hơn 5,3 triệu mét vuông đất phục vụ cho 5.230 công trình. Chính sự sẻ chia “đất vàng” của người dân đã góp phần thay đổi diện mạo thành phố…
Tác giả Văn Kiên |
Với cái nhìn “trong sáng”, có thể thấy, các phát biểu, các tranh luận của đại biểu trong phiên thảo luận về Luật Đất đai sửa đổi, dù khác nhau về quan điểm, nhưng đều hướng đến mục tiêu chính là để đất đai trở thành nguồn lực quan trọng, thúc đẩy sự phát triển của đất nước, người dân và doanh nghiệp. Như đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) phân tích, việc nhà nước đứng ra thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng cũng chính là để thúc đẩy cho sự phát triển của đất nước. Khi doanh nghiệp phát triển sẽ tạo ra nhiều việc làm, tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách… Trong khi đó, đại biểu Đào Hồng Vận (đoàn Hưng Yên) cho rằng, việc doanh nghiệp thoả thuận được với người dân là rất khó, thậm chí có người giá nào cũng không chịu.
Tuy nhiên, có một thực tế được nhiều đại biểu nêu ra là, không ít dự án phát triển kinh tế - xã hội vì mục đích quốc gia, công cộng, khi thu hồi đất được thuyết minh, thuyết phục “rất hay” về sự cần thiết. Sau khi thu hồi đất rồi dự án lại triển khai dở dang, thậm chí để hoang hóa. Có những dự án khi thu hồi đất đền bù cho dân giá rẻ nhưng sau đó bán ra với giá cao gấp nhiều lần, không hài hòa được lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Trong phiên thảo luận về kinh tế, xã hội đầu kỳ họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai bày tỏ sự “đau lòng”, “nhức nhối”, khi toàn quốc hiện có 743 triệu m2 đất để hoang hóa, sử dụng sai mục đích. Riêng giám sát tại 7 địa phương thì đã có đến 1.739 dự án “treo”, tương ứng với hơn 12.000 hec ta đất…
Vậy nên, như ý kiến của đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) nêu ra: Người dân chấp nhận hy sinh quyền lợi nếu việc thu hồi đất cho mục đích quốc phòng, an ninh, nhưng họ sẽ không chấp nhận việc thu hồi đất chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân hoặc nhóm người mà lại áp giá đền bù thấp... là điều cần được xem xét kỹ lưỡng. Mong rằng, sau kỳ họp này, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra sẽ tiếp thu, tiếp tục lắng nghe các ý kiến đóng góp, để Luật Đất đai hoàn thiện.