Từ chuyện bạch hóa cá chết

Cá chết trôi dạt vào bờ biển Quảng Bình (ảnh lớn). Ban lãnh đạo Cty Formosa cúi đầu xin lỗi người dân, Đảng và chính phủ Việt Nam (ảnh nhỏ). Ảnh: PV.
Cá chết trôi dạt vào bờ biển Quảng Bình (ảnh lớn). Ban lãnh đạo Cty Formosa cúi đầu xin lỗi người dân, Đảng và chính phủ Việt Nam (ảnh nhỏ). Ảnh: PV.
TP - Cuối cùng thì nguyên nhân của vụ cá chết hàng loạt và hệ sinh thái đáy biển bị tàn phá ở nhiều nơi tại 4 tỉnh miền Trung Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã được công bố.

Những thông tin được các vị bộ trưởng cung cấp tại cuộc họp báo làm cho người ta hiểu vì sao phải đến mấy tháng mới có được kết luận này.

Đây là một vụ việc cực kỳ phức tạp, cần sự vào cuộc điều tra, xác minh của nhiều bộ, ngành, nhiều nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế rồi cả trưng cầu phản biện độc lập nữa. Và không chỉ có vậy. Nhìn lại tiến trình sự việc và phân tích những văn bản, lời nói của lãnh đạo Formosa Việt Nam đưa ra, dễ đoán ở đây đã có một cuộc đấu tranh không phải là không khó khăn với một đối tượng không dễ thừa nhận lỗi của mình.

Trong quá trình thông tin về vụ việc, ngày 21/4, lãnh đạo công ty Formosa đã phủ nhận cá chết là do nhà máy này xả thải, phủ nhận việc dùng hóa chất để tẩy rửa đường ống, chỉ dùng hóa chất để phục vụ hệ thống làm mát. 

Và tuy ông Trần Nguyên Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh cùng ban lãnh đạo doanh nghiệp này đã cúi đầu xin lỗi nhân dân Việt Nam nhất là nhân dân 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế; xin lỗi Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Việt Nam nhưng trong thư gửi cán bộ, nhân viên Formosa cũng do ông Thành ký ngày 30/6 lại có đoạn “Đối với hiện tượng cá chết hàng loạt tại bốn tỉnh miền Trung vừa qua, theo kết quả điều tra của Đoàn kiểm tra liên ngành của do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, nhận định rằng công ty trong giai đoạn vận hành thử, do những sai sót của các nhà thầu phụ gây ra cá chết. Mặc dù, đây là một kết quả chúng tôi không mong muốn, nhưng công ty tôn trọng kết quả điều tra của Chính phủ”. Có gì giống như vẫn còn vương vấn, có bóng dáng của sự miễn cưỡng, chưa nhận thức đến tận cùng của chủ thể sự cố nghiêm trọng này?!

2. Rằng trong hoạn nạn mới thật hiểu lòng nhau. Trong sự cố môi trường nghiêm trọng này, đời sống của rất nhiều người dân các miền Trung vùng ven biển đã bị xáo trộn tận gốc, nhiều gia đình lâm vào cảnh mất nghiệp chưa biết đến bao giờ. Không phải đã không có những bức xúc, căng thẳng và thậm chí cả  dấu hiệu của sự manh động. 

Nhưng những hành động thận trọng nhưng kiên quyết của Chính phủ trong chỉ đạo điều tra xử lý vụ việc, những biện pháp hỗ trợ ngư dân bị ảnh hưởng có hiệu quả đã cơ bản an được lòng dân. Diễn biến tình hình cũng như kết quả cuộc bầu cử Quốc hội ở các địa phương và phản ứng ban đầu về công bố nguyên nhân của nhiều người thuộc nhiều tầng lớp, giới đã cho thấy điều đó. Thêm một kinh nghiệm quý về quan tâm đến quyền lợi, đời sống của người dân và tấm lòng của nhân dân.

3. Formosa đã nhận trách nhiệm, đã xin lỗi, đã cam kết bồi thường và hứa nỗ lực khắc phục hậu quả. Vấn đề tiếp theo là làm sao giám sát để họ thực hiện nghiêm những cam kết. Không chỉ là chuyện món tiền bồi thường 500 triệu đô la mà trước mặt là những công việc to lớn và với những chi phí không nhỏ. 

Sao cho trong tương lai, tổ hợp khổng lồ Formosa không còn xả ra chất thải chết chóc đó, đồng nghĩa với việc thêm đầu tư vào hệ thống xử lý chất thải, mà việc này thì không hề rẻ. Sao cho lời hứa phối hợp với các bộ ngành Việt Nam và các tỉnh miền Trung xây dựng giải pháp đồng bộ để  kiểm soát môi trường biển miền Trung, đảm bảo phòng, chống các sự cố môi trường tương tự như đã xảy ra trở thành hiện thực… Rồi khôi phục hệ sinh thái bị tổn hại nghiêm trọng. Rồi bịt các lỗ hổng pháp lý và trách nhiệm từ phía chúng ta nữa...

Kết thúc một việc, nhưng mở ra nhiều việc trước mắt.

MỚI - NÓNG