Tự chủ tuyển sinh, làm thế nào cho hợp lý?

Tự chủ tuyển sinh, làm thế nào cho hợp lý?
TP - Hiện nay có nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi về phương án tuyển sinh đại học (ĐH) tự chủ 2014, đặc biệt là từ khi Bộ GD&ĐT tung ra tóm tắt dự thảo phương án kết hợp thi chung với thi riêng.

> Quyền lợi của thí sinh được đảm bảo
> Ngày 10/3/2014, công bố ĐH tuyển sinh riêng

Thi riêng song phải “3 vòng”, “3 không”...

Theo dự thảo này, trong năm 2014, các trường có nguyện vọng tuyển sinh riêng cần xây dựng và trình dự án, nếu Bộ phê duyệt thì được tiến hành; nếu chưa được duyệt – hoặc chưa có phương án thi riêng thì vẫn tuyển sinh theo phương thức thi “ba chung”-phương án sẽ được duy trì thêm 3 năm nữa. Đến thời điểm này, đa số các trường công lập (chiếm tới hơn 80%) vẫn bằng lòng với thi “ba chung”; các trường đăng ký thi riêng chưa đến 5%.

Dự thảo yêu cầu các dự án thi riêng phải xây dựng theo mẫu gồm 11 phần và phải thực thi theo phương án góp ý “3 vòng” (vòng 1: xin ý kiến góp ý của sinh viên, cán bộ, giảng viên nhà trường; vòng 2: xin ý kiến của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng; vòng 3: xin ý kiến của xã hội) và, nếu được đồng thuận, Bộ sẽ phê duyệt cho thực hiện.

Dự thảo cũng nêu lên các nguyên tắc mà các trường khi tổ chức thi riêng phải tuân thủ: “ba không”: không luyện thi, không tiêu cực, và không chạy theo số lượng (tức là không được tuyển theo cách lấy cho đủ chỉ tiêu mà phải có ngưỡng chất lượng được xác định trước). Ngoài ra, còn có 3 cái “không được”: không được sử dụng kết quả thi 3 chung; không được sử dụng kết quả thi của trường khác; không được tự ấn định ngày thi.

Đọc xong quy định 11 phần, “3 vòng”, “3 không” và “3 không được”, thấy... oải với tuyển sinh. Ngay cả yêu cầu “3 không”, nếu áp dụng cho kỳ thi tuyển sinh “ba chung” mà Bộ đang tổ chức cũng không thể thực hiện được triệt để: cả nước vẫn luyện thi đại học, vẫn không tránh khỏi tiêu cực chỗ này chỗ khác, vẫn phải xác định điểm sàn đảm bảo “dôi dư” về số lượng… Không ít người buông xuôi: thôi, thà không tự chủ!

Vẫn cần ngưỡng chất lượng

Một vấn đề quan trọng cần bàn là có cần quy định của Bộ về một ngưỡng sàn về chất lượng khi xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT và ấn định một sàn cao hơn để tuyển vào ĐH, CĐ (đồng nghĩa với việc chấp nhận một bộ phận thí sinh tốt nghiệp phổ thông nhưng không đủ điểm để tuyển sinh vào ĐH, CĐ), hay không?

Phương án “đóng” là sẽ có quy định điểm sàn theo các nhóm ngành đào tạo: “Kỹ thuật Công nghệ”, “Kinh tế Tài chính”, “Khoa học xã hội nhân văn”,... mỗi nhóm sẽ có điểm sàn riêng phù hợp theo từng nhóm các môn thi. Các trường có thể xét tuyển, có thể kết hợp với thi tuyển theo yêu cầu của mình, nhưng không được phép tuyển thí sinh dưới điểm sàn quy định.

Một phương án “mở” hơn là, không quy định điểm sàn và cho phép mọi thí sinh tốt nghiệp THPT đều có quyền đăng ký học ĐH. Chất lượng đầu vào sẽ được
quyết định bởi chỉ tiêu và chính sách tuyển sinh của từng trường ĐH. Với phương án này, Bộ sẽ quản lý chặt chỉ tiêu các trường và quản lý chất lượng đầu vào chủ yếu thông qua chỉ tiêu chứ không phải thông qua kết quả thi cử của từng thí sinh.

Về xác định chỉ tiêu, hiện nay đang được xác định thông qua số lượng giảng viên và cơ sở vật chất. Đề xuất, để tăng chất lượng, có thể đưa thêm tiêu chí xuất đầu tư trên đầu sinh viên (SV). Phương án “mở” tối ưu ở chỗ có thêm tiêu chí đầu tư thì các trường không thể cứ mỗi năm lại tăng chỉ tiêu đào tạo một cách cơ học như hiện nay. Nếu như để xã hội yên tâm về chất lượng, có thể áp dụng phương án “đóng” trong 2014 và dần chuyển sang phương án mở thông qua việc từng bước hạ thấp sàn.

Đề xuất tự chủ nhưng vẫn có thể thi chung

Nghị quyết 29/NQ-TW nêu rõ: “Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH; đổi mới phương thức tuyển sinh ĐH, CĐ theo hướng kết hợp sử dụng kết quả học tập ở phổ thông và yêu cầu của ngành GD&ĐT”.

Theo tinh thần này, thiết nghĩ, phương án khả thi sẽ là: Bộ GD&ĐT giao cho Cục Khảo thí tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT toàn quốc với 5-6 môn tự chọn để tốt nghiệp và một số môn là bắt buộc .

Nếu mọi năm Cục Khảo thí phải lo tổ chức cả thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh ĐH, thi tuyển sinh CĐ thì nay chỉ tập trung vào 1 kỳ thi như thế, sẽ bớt được 2 kỳ thi. Sau đó, các trường ĐH, CĐ sẽ dựa vào kết quả kỳ thi này để xét tuyển với tiêu chí xét tuyển công khai từ trước cho thí sinh.

Lê Trường Tùng
Hiệu trưởng trường Đại học FPT

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.