Từ chấn song nhà tù đến cầu vồng của đất nước

Từ chấn song nhà tù đến cầu vồng của đất nước
Đằng sau chấn song của một căn phòng chỉ rộng chừng 4m2, có một ánh mắt đang chăm chú dõi theo trận đấu đặc biệt đang diễn ra ngoài khoảng sân nhỏ với những mảng cỏ và xi măng loang lổ, với khung thành xiêu vẹo và lưới đã rách tươm.

Từ chấn song nhà tù đến cầu vồng của đất nước

> Những câu nói bất hủ của Nelson Mandela
> Tổng thống Obama: Nelson Mandela, con người vĩ đại của lịch sử
> Nam Phi tổ chức quốc tang ông Nelson Mandela

Đằng sau chấn song của một căn phòng chỉ rộng chừng 4m2, có một ánh mắt đang chăm chú dõi theo trận đấu đặc biệt đang diễn ra ngoài khoảng sân nhỏ với những mảng cỏ và xi măng loang lổ, với khung thành xiêu vẹo và lưới đã rách tươm.

Ánh mắt ấy là của Nelson Mandela, người không bao giờ được phép ra sân, và chỉ có thể hài lòng với việc theo dõi trận đấu từ căn phòng nhỏ ấy.

Nelson Mandela trong một lần thăm lại căn phòng đã giam giữ ông tại đảo Robben, và ô cửa với chấn song mà ông đã từng nhìn qua đó để xem những trận bóng của các bạn tù
Nelson Mandela trong một lần thăm lại căn phòng đã giam giữ ông tại đảo Robben, và ô cửa với chấn song mà ông đã từng nhìn qua đó để xem những trận bóng của các bạn tù.

Một Liên đoàn bóng đá trong tù

“Ông ấy thường xem chúng tôi đá bóng từ cửa sổ phòng giam, bằng cách đứng lên một chiếc ghế, hoặc thùng rác” – Mark Shinners, một tù nhân từng thụ án 23 năm tại đảo Robben, nhớ lại. Sau này, ô cửa sổ để Nelson nhìn ra khoảng sân ấy cũng bị xây tường bịt kín. Ngoài kia, Jacob Zuma, sau này trở thành Tổng thống Nam Phi, chơi hậu vệ cho đội Rangers và đảm nhiệm luôn vai trò… trọng tài. Dikgang Moseneke, Phó chánh án tối cao của Nam Phi sau này, ban hành điều lệ và trở thành Chủ tịch của Ban tổ chức những trận đấu ấy, trong khi Steve Tshwete, sẽ trở thành Bộ trưởng thể thao đầu tiên của đất nước thời kỳ hậu Apartheid, nổi tiếng với lối chơi máu lửa và thông minh.

Một Liên đoàn bóng đá có tên Makana được thành lập trong tù tại đảo Robben, Nam Phi, tổ chức một giải đấu của 8 đội bóng dành cho 1400 tù nhân tại đây. Cứ thứ Bảy hàng tuần, họ lại háo hức xỏ giày ra sân, với các trận đấu kéo dài 9 tháng trong năm và chỉ gián đoạn vào mùa Hè. Những tù nhân trong Ban tổ chức học bộ luật của FIFA để điều hành giải đấu, với niềm tin rằng khi tự do bị tước mất, thì điều hành một giải thể thao đằng sau những chấn song có thể là sự chuẩn bị công cuộc điều hành đất nước trong tương lai.

Mandela thích bóng đá, nhưng bị cấm chơi, và sau này, đến xem bóng đá cũng bị cấm nốt. Đó là niềm vui hiếm hoi đằng sau chấn song nhà tù trong lịch trình một ngày nhàm chán và mệt mỏi, quẩn quanh giữa những bữa ăn đạm bạc chỉ có cháo ngô, thịt để lâu và những buổi lao động khổ sai trên đảo. Và ngay từ thời điểm ấy, khi nhìn thấy những tù nhân quần thảo với nhau ngoài sân, Mandela đã nhìn thấy một công cụ để hàn gắn đất nước trong tương lai, khi chế độ Apartheid không còn.

“Thể thao có sức mạnh làm thay đổi thế giới. Đó là sức mạnh có thể thống nhất mọi người theo một con đường ít khó khăn nhất có thể. Nó nói với những người trẻ thứ ngôn ngữ mà họ có thể hiểu được. Thể thao có thể tạo ra hy vọng ở nơi mà trước đây chỉ có nỗi đau” – Đó là những lời trong bài diễn văn mà Mandela đã sử dụng nhiều lần. Ông đã làm mọi cách để đưa những ngày hội thể thao, đặc biệt là bóng đá, về với đất nước này. Bóng đá đã được chơi tại Soweto và nhiều nơi khác trên đất nước Nam Phi, nhưng người da màu và người da trắng vẫn chưa thể chơi cùng nhau, và trái tim của dân tộc này vẫn tồn tại những rạn nứt của một thời kỳ đen tối.

Thể thao có sức mạnh làm thay đổi thế giới

Nelson Rolihlahla Mandela sinh ngày 18/7/1918, là Tổng thống Nam Phi từ năm 1994 đến 1999, và là tổng thống Nam Phi đầu tiên được bầu cử dân chủ theo phương thức phổ thông đầu phiếu.

Trước khi trở thành tổng thống, Mandela là nhà hoạt động chống chủ nghĩa apartheid (chủ nghĩa phân biệt chủng tộc), và là người đứng đầu phái vũ trang của Đảng Quốc Đại (ANC).

Năm 1962 ông bị bắt giữ và bị buộc tội phá hoại chính trị cùng các tội danh khác, và bị tuyên án tù chung thân. Mandela đã trải qua 27 năm trong lao tù, phần lớn thời gian là ở tại Đảo Robben.

Sau khi được trả tự do vào ngày 11/2/1990, Mandela đã lãnh đạo đảng của ông trong cuộc thương nghị để tiến tới một nền dân chủ đa sắc tộc vào năm 1994. Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình từ năm 1994 đến 1999, Mandela thường ưu tiên cho vấn đề hòa giải dân tộc.

Tại Nam Phi, Mandela còn được biết tới với tên gọi Madiba, một tước hiệu danh dự mà bộ lạc của ông thường trao cho những già làng.

Mandela đã nhận hơn 250 giải thưởng trong hơn bốn thập niên, trong đó có Giải Nobel Hòa bình năm 1993.

Ông từ trần ngày 512/2013, hưởng thọ 95 tuổi.

Nam Phi đã đứng ra vận động giành quyền đăng cai Thế vận hội năm 2004, nhưng để tuột suất ấy vào tay Athens. Điều tương tự diễn ra 2 năm sau, khi Nam Phi bị cho là một địa điểm quá thiếu an toàn để tổ chức World Cup, và Đức đã giành quyền đăng cai vòng chung kết Cúp thế giới năm 2006. Nhưng Nam Phi vẫn kiên trì. Mandela đích thân tham gia vào chiến dịch vận động đăng cai World Cup 2010, và bài diễn văn bất hủ của ông về “sức mạnh thay đổi thế giới của thể thao” đã một lần nữa được xướng lên đầy thống thiết, như một lời kêu gọi của cá nhân ông với FIFA.

Năm 2010, khi giấc mơ ấy thành hiện thực, Mandela nói rằng ông cảm thấy mình như một đứa trẻ 15 tuổi được chạm vào giấc mơ. Đó là thử thách lớn không chỉ với Nam Phi, mà là cả châu Phi, trước những yêu cầu của 32 quốc gia tham dự: Xây dựng khách sạn, sân bay, cầu đường, thu hút hàng triệu du khách và cải tạo những sân vận động nơi diễn ra các trận đấu.

Sự hiện diện của Nelson Mandela đã giúp cho đất nước này đủ nghị lực để vượt qua thử thách ấy, dù trong ngày khai mạc, ông đã không thể có mặt vì cái chết của cô cháu gái mới 13 tuổi, Zenani. Trước đó, cô bé đã múa hát trong buổi tiệc nhỏ được tổ chức tại nhà riêng của Mandela ở Johannesburg để đón chào các vị khách quý đến với Nam Phi, trong số đó có cả tiền vệ nổi tiếng của Bồ Đào Nha, Cristiano Ronaldo.

Và cô bé ra đi đúng vào cái ngày mà đất nước của Mandela vừa hoàn thành một nhiệm vụ lịch sử. Ông xuất hiện sau trận chung kết, có thể là lần cuối cùng trong một hoạt động thể thao, khi đất nước đã nhìn thấy cầu vồng mọc qua sân Soccer City.

Ngọn nến sinh mệnh của lãnh tụ vĩ đại ấy đã tắt, nhưng di sản ông để lại cho đất nước này nói riêng và thế giới nói chung đã thắp lên ngọn nến hy vọng cho hàng triệu sinh mệnh khác, mà thể thao là phương tiện kết nối lý tưởng, dù vị lãnh tụ ấy, trong những năm tháng trăn trở nhất, chỉ được xem bóng đá qua chấn song nhà giam.

Mandela hàn gắn đất nước bằng thể thao

Rất nhiều những lãnh đạo chính trị trên thế giới biết cách làm thế nào để tranh thủ sự phổ biến của thể thao, nhưng không ai biến nó thành một phương tiện nhân văn hơn Nelson Mandela.

Mandela là một nhà thể thao thực sự. Ông chạy bộ để tập luyện từ khi còn rất nhỏ. Thời gian bị cầm tù trên đảo Robben, xem các bạn tù chơi bóng là một thú vui. Và khi được trả tự do, ông sử dụng thể thao để hàn gắn Nam Phi, đoàn kết người dân của mình.

Đó là một di sản vô giá dành cho đất nước này, khi thể thao làm cho mọi người cùng mặc lên mình một chiếc áo và chơi một môn nào đó cùng nhau, dù là người da màu hay người da trắng, người gốc Ấn và người lai. 19 năm sau ngày chủ nghĩa Apartheid chính thức bị khai tử, Nam Phi ngước lên và đã nhìn thấy “Cầu vồng”, biểu tượng cho một quốc gia thống nhất và không còn phân biệt về chủng tộc.

Giải vô địch rugby thế giới năm 1995, CAN 1996, giải cricket 2003 và World Cup 2010, tất cả đều diễn ra trên đất nước này. Đó là những ngày hội mà mọi người đến dự và nhận ra rằng không có sự phân biệt giữa họ, theo màu da, hay giới tính. Tất cả đều có một đôi mắt để xem, một đôi tai để nghe, và trái tim để cảm nhận những gì đang diễn ra trước mắt. Hình ảnh Mandela trao Cúp cho đội trưởng đội tuyển bóng bầu dục Nam Phi vô địch thế giới năm 1995, Francois Pienaar, một năm sau ngày ông đắc cử Tổng thống, được coi như một biểu tượng của sự thống nhất.

Mandela đã lớn lên ở một đất nước chuộng thể thao trước khi trở thành người chiến sĩ chống lại chủ nghĩa apartheid, và sau 27 năm bị cầm tù, tinh thần ấy vẫn chưa bao giờ mất đi. Nó còn trở thành cảm hứng cho hiện tại và tương lai của đất nước sau này.

Theo Phạm An
Thể thao & Văn hóa

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.