Từ bản xuống phố: Những nốt lặng

TP - Làn sóng người lao động dân tộc thiểu số xuống các thành phố, khu công nghiệp (KCN) làm việc đã làm thay đổi bức tranh nhiều bản làng vùng cao. Có cả những thay đổi tích cực và cả những hệ lụy mang từ phố về rừng…

Nghề mới về bản, nhà mới mọc lên 

Nhiều bản làng người Thái ở xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu (Sơn La) khoác lên mình diện mạo mới. Những ngôi nhà sàn thơm mùi gỗ mới hay những ngôi nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều trong các bản làng nằm ẩn khuất bên núi. Ông Lò Văn Sâm, Chủ tịch xã Tông Lạnh (người dân tộc Thái) sinh sống nhiều đời ở đây cảm nhận rõ sự đổi thay này. Ông Sâm hồ hởi: “Ba năm trở lại đây, người lao động trong xã đi đến các thành phố và KCN làm việc bắt đầu bùng nổ. Tiền họ kiếm được trở thành nguồn thu nhập chính trong nhiều gia đình ở xã để chi tiêu sinh hoạt hằng ngày, mua sắm các vật dụng đắt tiền và xây nhà mới”.

Từ bản xuống phố: Những nốt lặng ảnh 1 Bản Lạnh (xã Tông Lạnh) có nhiều ngôi nhà mới xây từ nguồn tiền có được do người dân xuống thành phố làm việc
Điều khiến ông Sâm tâm đắc nhất từ việc người lao động địa phương xuống thành phố làm việc là hình thành một tầng lớp thanh niên dám nghĩ và dám làm giàu. Để minh chứng cho điều này, ông Sâm dẫn chúng tôi đến thăm một vài người điển hình trong đó. 

Mặt trời đã đứng bóng, nhưng cơ sở làm khung nhôm kính của anh Quàng Văn Kiến ở bản Củ vẫn rộn ràng tiếng máy. Ở tuổi 28, vợ chồng anh đã sở hữu cơ ngơi khá giả với ngôi nhà hai tầng, cùng xưởng sản xuất to nhất xã. Kiến kể, năm 2014, anh lấy vợ cùng xã. Mới đầu, vợ chồng anh quanh quẩn với ít ruộng làm ngô, trồng lúa nên không đủ ăn. Bí quá, hai vợ chồng xuống thành phố làm thuê.

Đầu năm 2016, anh xuống huyện Mộc Châu (Sơn La), rồi đi Hà Nội, vào tận Lâm Đồng làm thuê cho nhiều cửa hàng làm khung nhôm kính. Anh vừa làm, vừa học nghề. Cùng thời điểm đó, vợ anh xuống Hà Nội làm thuê cho cửa hàng may quần áo. Gần 2 năm làm thuê, vợ chồng anh tích cóp được số vốn nhất định, tay nghề đã chắc, vợ chồng anh quyết định về quê khởi nghiệp. Kiến mở cơ sở làm khung nhôm kính, còn vợ mở hiệu may quần áo tại bản. Khách hàng trong xã và huyện biết đến cơ sở của vợ chồng anh ngày càng nhiều. Vợ chồng Kiến dự định mở thêm cửa hàng ở TP Sơn La. “Doanh thu năm vừa qua của vợ chồng em đạt gần 1,5 tỷ đồng, trừ chi phí cũng có lãi khoảng 400 triệu đồng. Nếu ngày trước không đi làm thuê ở thành phố, chúng em không có nghề và thu nhập như hôm này” - Kiến khoe.

Từ bản xuống phố: Những nốt lặng ảnh 2 Anh Quàng Văn Kiến làm giàu nhờ nghề khung nhôm kính học được khi đi làm thuê ở thành phố
Ngồi cạnh bên, ông Sâm nhẩm tính, trong năm 2019, cả xã này có khoảng 600 người rời khỏi địa phương đi tìm việc làm ở các thành phố và KCN, số lượng đông nhất huyện Thuận Châu. Trung bình, một cặp vợ chồng đi làm công nhân tích lũy được hơn 10 triệu đồng/tháng; với những đôi vợ chồng làm xây dựng, mỗi tháng cũng gom được hơn 14 triệu đồng. Theo ông Sâm, việc người lao động dân tộc thiểu số ở đây đi về các thành phố làm thuê kiếm tiền còn thổi “luồng sinh khí mới” vào tư tưởng, nhận thức của bà con. “Từ khi có phong trào xuống thành phố làm việc kiếm tiền, bà con không còn trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước nữa mà tự tìm cách vươn lên” - ông Sâm chia sẻ.

Bản vắng người và manh nha cái xấu

Buổi sáng, những tia nắng vàng hắt qua sườn núi chiếu vào căn nhà sàn của ông Quàng Văn Buôn ở bản Lạnh (xã Tông Lạnh). Ngôi nhà rộng trống huơ. Ông Buôn tuổi gần 80 cẩn thận đẩy chiếc xe lăn đưa người vợ bị liệt ra cửa tắm nắng. Nhiều năm nay, một mình ông chăm vợ bị bệnh vì con cháu bận đi làm ăn xa dưới thành phố. Ông tâm sự: Ruộng đất ở nhà chẳng còn bao nhiêu vì bị thu hồi để dành cho người tái định cư do làm thủy điện và Công ty cao su Sơn La sử dụng. Cả nhà ông chỉ còn 700 mét vuông đất trồng lúa, trong khi có đến 7 miệng ăn. Bởi thế, con cháu ông phải xuống các KCN ở tỉnh Bắc Giang để làm công nhân kiếm sống. Nhà chỉ còn hai ông bà, với người con dâu ngoài 40 tuổi và đứa cháu nhỏ. “Nhiều lúc ở nhà chỉ có hai ông bà, con cháu đi hết cả nên cũng buồn lắm” - ông Buôn đưa ánh mắt buồn rười rượi nhìn vào căn nhà sàn trống vắng.

Cũng trong bản Lạnh, ông Lường Văn Dượng có 8 người con (cả dâu và rể), nhưng tất cả đều rời bản làng xuống các thành phố làm thuê, chỉ còn hai ông bà và gần chục cháu nhỏ ở lại. Nhờ đi làm ở các thành phố mà các con của ông làm được nhà mới to đẹp và mua sắm được các đồ dùng sinh hoạt hiện đại. Thế nhưng, cái giá phải trả là khoảng trống xa cách của bố mẹ với những đứa trẻ ở nhà. Có đứa con của ông mải đi làm ăn xa cả năm mới về nhà một hai bận, các con phó mặc cho ông bà tuổi đã ngoài 60.

Từ bản xuống phố: Những nốt lặng ảnh 3 Ông Quàng Văn Buôn một mình chăm sóc vợ bị liệt do con cháu mải đi làm ăn xa
Điều ông Dượng lo lắng là những đứa cháu ngày càng lớn lên, trong khi chúng lại thiếu vắng sự dạy bảo, chăm sóc của bố mẹ. “Nhiều đứa cháu nhà tôi bước vào tuổi dậy thì, tâm sinh lý có nhiều thay đổi, nhưng bố mẹ cứ mải đi làm ăn xa, không ở bên cạnh con. Tôi sợ các cháu thiếu sự chăm sóc, chỉ bảo thường xuyên của bố mẹ  dễ sa ngã vào các tệ nạn xã hội” - ông Dượng than thở.

Ông Lò Văn Sâm, Chủ tịch xã Tông Lạnh còn nhìn thấy những thách thức và mặt trái khác nảy sinh trong quá trình dịch chuyển của người lao động dân tộc thiểu số nơi đây xuống thành phố làm việc. Ông Sâm nói, nhiều thanh niên đi ra ngoài làm thuê có đồng tiền nên bắt đầu tìm đến các trò giải trí thiếu lành mạnh. Rồi những quán karaoke có nhân viên nữ “tay vịn” bắt đầu mọc lên ở xã này để đáp ứng những nhu cầu đó.

Hệ lụy của việc di dân xuống thành phố tìm việc làm còn dẫn đến tình trạng có nhiều bản làng phần lớn chỉ còn người già và trẻ con ở lại. Đời sống gia đình của đồng bào có nhiều xáo trộn, một số nét văn hóa truyền thống dần mất đi. “Có người chồng hoặc vợ đi ra ngoài làm ăn lâu ngày mới về nhà, đời sống tình cảm vợ chồng rạn nứt. Ngay ở bản tôi, một vài đôi vợ chồng đã ly dị vì chồng hoặc vợ đi xuống thành phố làm thuê, rồi theo người khác để lại những đứa trẻ bơ vơ” - ông Sâm chia sẻ. (Còn nữa)

 PGS. TS Trần Bình (giảng viên cao cấp Đại học Văn hóa) cho rằng: Để giải quyết các thách thức này cần thực hiện ngay việc phát triển tổng thể vùng miền núi và dân tộc thiểu số, trong đó chú trọng nông thôn miền núi. Nếu không phát triển tổng thể và bền vững sẽ không có tác dụng. Cần tạo ra các điều kiện cần và đủ để giải quyết nhu cầu việc làm, nhu cầu nhân lực, nhu cầu đời sống và bảo tồn văn hóa đối với các dân tộc thiểu số. Đồng thời, cần tạo ra lực lượng lao động miền núi có trình độ chuyên môn. Có như vậy, các thế hệ thanh thiếu niên các dân tộc thiểu số mới tự lo liệu việc xây dựng, phát triển quê hương của họ.

MỚI - NÓNG