Từ 1/7, lãnh đạo không được bố trí vợ con quản lý về nhân sự, kế toán

TPO - Luật Phòng chống tham nhũng yêu cầu lãnh đạo không được bổ nhiệm vợ con, họ hàng vào vị trí kế toán, thủ quỹ, nhân sự trong đơn vị mình. Những người này cũng không được thành lập doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực mình quản lý...

Từ mai (1/7), Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 chính thức có hiệu lực với nhiều điểm mới so với luật cũ ban hành năm 2005, quy định chặt chẽ hơn về những việc cán bộ, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong Nhà nước phải tuân theo.

Trước tiên, luật mới yêu người có chức vụ quyền hạn không được thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân hoặc các loại công ty. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan Nhà nước cũng như vợ chồng, bố mẹ, con cái của họ không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý Nhà nước.

Đáng chú ý, các cán bộ, lãnh đạo phải tuyệt đối tuân theo quy định về "Hồi tỵ". Cụ thể, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán; làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.

Các cán bộ, công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức trong cơ quan, tổ chức, thuộc Nhà nước cũng phải được luân chuyển định kỳ nhằm phòng ngừa tham nhũng. Việc luân chuyển với lãnh đạo, người quản lý được thực hiện theo quy định về luân chuyển cán bộ.

Cơ quan Nhà nước cũng phải thực hiện công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của mình; có trách nhiệm tổ chức họp báo, phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí định kỳ hoặc đột xuất về tổ chức về công tác phòng, chống tham nhũng và xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.

Một điểm mới tiếp theo, Luật Phòng chống tham nhũng 2018 quy định không chỉ công chức, những người là sĩ quan công an, sĩ quan quân đội, quân nhân chuyên nghiệp; người ứng cử đại biểu Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân cũng phải kê khai thu nhập, tài sản có giá 50 triệu đồng trở lên; tài sản ở nước ngoài...

Bản kê khai phải được công khai tại nơi họ công tác; riêng bản kê khai của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước phải được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm hoặc tại cuộc họp của Hội đồng thành viên.

 Trường hợp phát hiện tài sản, thu nhập có biến động từ 300 triệu đồng trở lên so với tài sản, thu nhập đã kê khai lần liền trước đó nhưng không được kê khai, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có quyền yêu cầu người đó cung cấp, bổ sung thông tin có liên quan. Nếu tài sản, thu nhập có biến động tăng, cán bộ phải giải trình về việc này.

Trường hợp kê khai không trung thực, người kê khai phải bị xử lý kỷ luật công khai; người ứng cử Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân bị tạm dừng ứng cử...

Không chỉ với cơ quan, đơn vị Nhà nước, Luật Phòng chống tham nhũng còn điều chỉnh một số quan hệ; quy tắc đạo đức nghề nghiệp, kinh doanh và quy định về thanh tra việc phòng chống tham nhũng tại doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước.

Bên cạnh đó, luật mới quy định Nhà nước cam kết thực hiện các điều ước quốc tế về phòng, chống tham nhũng có Việt Nam là thành viên; hợp tác với các nước, tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài trong hoạt động phòng, chống tham nhũng trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các bên cùng có lợi.