Cụ thể, để được đào tạo liên thông, trường đại học phải có đủ các điều kiện như: Đã đào tạo trình độ đại học chính quy theo tín chỉ ít nhất 3 khóa liên tiếp; riêng trường nghệ thuật có thể theo niên chế, khối trường sức khỏe phải có ít nhất một khóa đã tốt nghiệp; trường có quy định công nhận giá trị chuyển đổi kết quả học tập và khối lượng kiến thức miễn trừ cho người học liên thông.
Với người học liên thông, phải tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng theo chuyên môn phù hợp, hoặc chuyển đổi nếu đáp ứng điều kiện của chương trình học. Đồng thời, người học liên thông phải đáp ứng các điều kiện về tuyển sinh đại học của Bộ GD&ĐT, như đạt yêu cầu về kiến thức phổ thông.
Chỉ tiêu tuyển sinh liên thông của các trường đại học không vượt quá 20% chỉ tiêu tuyển sinh chính quy, và phải thông báo công khai chỉ tiêu tuyển sinh, đối tượng, hình thức tuyển sinh liên thông. Trường tuyển sinh liên thông có thể bằng xét tuyển, thi tuyển, hoặc kết hợp cả 2 hình thức, do người đứng đầu trường đại học quyết định.
Đối với các khóa liên thông trung cấp, cao đẳng lên đại học trước thời điểm Quyết định này có hiệu lực, các cơ sở giáo dục thực hiện theo quy định của Bộ GD&ĐT. Quyết định trên có hiệu từ 15/7/2017.
Trước đó, từ 1/1/2017, hệ thống đào tạo cao đẳng, trung cấp nghề thống nhất chuyển về cho Bộ LĐ-TB&XH quản lý. Điều này dẫn tới một số thay đổi trong đào tạo hệ trung cấp, cao đẳng với hệ đại học (do Bộ GD&ĐT quản lý).
Trước Quyết định trên của Thủ tướng được ban hành, các trường trung cấp, cao đẳng lo lắng không biết việc liên thông lên đại học của học sinh, sinh viên của mình ra sao khi thay đổi về mặt quản lý nhà nước.
Trong khi điều kiện tuyển sinh liên thông lên đại học cũng được xem là nguồn thu hút đầu vào của các trường trung cấp, cao đẳng. Vì theo các trường, nếu không thể học liên thông lên đại học, nhiều người học sẽ chọn học thẳng đại học (vì vào học đại học ngày càng dễ) thay vì học trung cấp, cao đẳng sau đó tùy điều kiện sẽ học liên thông.