Từ 1/7, người dân có thể đăng ký thường trú ở xã, phường

0:00 / 0:00
0:00
Cô Hạnh
Cô Hạnh
TPO - Từ 1/7, Luật Cư trú 2020 có hiệu lực người dân có thể tới công an xã, phường, thị trấn để đăng ký thường trú.

Dữ liệu dân cư đã được chia sẻ nhiều đơn vị

Từ 1/7/2021, Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú vẫn được sử dụng cho đến hết ngày 31/12/2022. Khi công dân đăng ký, khai báo về cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định mà không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Ghi nhận vào sáng 1/7, một số địa điểm làm thủ tục hành chính tại công an phường trên địa bàn TP Hà Nội, nhiều người dân đến làm thủ tục đăng ký thường trú, tách khẩu được cán bộ công an hướng dẫn thực hiện theo Luật Cư trú mới.

Cô Phạm Thị Hạnh (trú tại phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đến làm các thủ tục cư trú tại Công an phường Phố Huế. Cô cho biết, được các cán bộ công an hướng dẫn tận tình nên rất nhanh và hài lòng. Khi kiểm tra sổ hộ khẩu không có sai sót thông tin.

Còn ông Tôn Thất Dũng (64 tuổi, trú phường Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, việc bỏ sổ hộ khẩu giấy sẽ rất thuận tiện khi đi làm các thủ tục. Thay vì phải mang nhiều loại giấy tờ như trước đây, người dân chỉ cần mang CCCD và một số giấy tờ liên quan đã có thể hoàn tất các thủ tục cần thiết.

"Khi đến làm thủ tục tách khẩu cho con trai tôi chỉ mất vài phút vì dữ liệu của gia đình tôi đã có sẵn trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư" - ông Dũng chia sẻ.

Theo cán bộ công an, sau khi hướng dẫn công dân làm thủ tục đơn vị sẽ kiểm tra các thông tin trên sổ hộ khẩu và thông tin hiện tại để đối chiếu và tiếp nhận hồ sơ.

Từ 1/7, người dân có thể đăng ký thường trú ở xã, phường ảnh 1
Đại tá Nguyễn Hồng Ky.

Đại tá Nguyễn Hồng Ky - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, từ 1/7, Luật Cư trú 2020 có hiệu lực sẽ có những điểm mới và khác biệt so với Luật cư trú cũ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong thủ tục hành chính.

“Đơn vị quản lý cư trú là công an cấp phường, xã sẽ rất thuận lợi trong việc quản lý cư trú cũng như thực hiện đăng ký tạm trú, tạm vắng, tách khẩu được thực hiện nhanh gọn, rút ngắn thời gian so với trước đây” - đại tá Nguyễn Hồng Ky cho biết.

Theo đại tá Ky, Công an thành phố Hà Nội đã có kế hoạch triển khai đồng bộ cơ sở vật chất kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Người dân chỉ cần mang giấy tờ cần thiết và thẻ CCCD đến cơ quan công an làm việc thì các dữ liệu được tra cứu, trình tự thủ tục cũng được xét duyệt cũng được nhanh hơn.

Đến thời điểm hiện tại, Công an thành phố Hà Nội đã thu nhận 5 triệu hồ sơ dữ liệu thẻ CCCD gắn chíp trên tổng số 5,2 triệu công dân đủ điều kiện, tương ứng hơn 80% công dân Hà Nội và trong thời gian ngắn nhất cơ quan chức năng sẽ cấp thẻ CCCD để công dân thự hiện các thủ tục hành chính được thuận tiện nhất.

“Từ 1/7, Cơ sở dữ liệu quốc gia về về dân cư chính thức được đưa vào hoạt động phục vụ người dân và được chia sẻ với rất nhiều bộ, ban, ngành, UBND các tỉnh thành phố,… và đang được hoàn thiện. Với sự chia sẻ dữ liệu này, tôi tin tưởng sẽ phục vụ tốt hơn tới đời sống, kinh tế, xã hội và chính đối tượng trung tâm là người dân” - đại tá Ky chia sẻ.

Từ 1/7, người dân có thể đăng ký thường trú ở xã, phường ảnh 2

Sử dụng mã số định danh để giao dịch

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Cục C06 (Bộ Công an) cho biết, từ 1/7/2021, Luật Cư trú 2020 có hiệu lực, Bộ Công an thay thế phương thức quản lý dân cư bằng hình thức thủ công là cấp sổ hộ khẩu sang quản lý điện tử bằng mã số định danh cá nhân, khi đó, mỗi công dân sẽ đảm bảo có số định danh cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Theo đó, mã số định danh cá nhân sẽ là “chìa khóa” để công dân thực hiện các giao dịch với cơ quan nhà nước mà không cần phải xuất trình sổ hộ khẩu hay các giấy tờ khác.

Từ 1/7, người dân có thể đăng ký thường trú ở xã, phường ảnh 3
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại công an cấp phường.

Lãnh đạo C06 cho biết, khi công dân thực hiện các giao dịch chỉ cần cung cấp số định danh cá nhân để chứng minh nhân thân, không phải xuất trình sổ hộ khẩu, thay thế cho việc phải xuất trình hoặc nộp bản sao có chứng thực các giấy tờ công dân khi thực hiện thủ tục hành chính, giảm chi phí và thời gian đi lại của nhân dân, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.

“Việc đăng ký thường trú được thực hiện rất thuận tiện, công dân có thể đến công an xã, phường, thị trấn để đăng ký. Trường hợp cần xác nhận thông tin sổ hộ khẩu khi sổ hộ khẩu đã bị thu hồi thì công dân có thể yêu cầu cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước không phụ thuộc vào nơi cư trú của mình xác nhận thông tin về cư trú” - lãnh đạo C06 thông tin.

Từ 1/7, người dân có thể đăng ký thường trú ở xã, phường ảnh 4
Thông tin công dân được đối chiếu trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.

Theo lãnh đạo C06, hiện nay, việc kết nối giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với nhiều cơ quan nhà nước, bộ, ngành, địa phương còn chưa thực sự đồng bộ, liên thông, thống nhất. Nhiều cơ quan, tổ chức, cơ sở dữ liệu chưa tiến hành kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Ngoài ra, việc tuyển chọn nguồn nhân lực chất lượng cao để bố trí tại một số lĩnh vực công nghệ thông tin trọng điểm vẫn còn hạn chế.

Từ 1/7, người dân có thể đăng ký thường trú ở xã, phường ảnh 5
Trường hợp đầu tiên thu hồi sổ hộ khẩu tại Công an phường Phúc La, Hà Đông.

Bắt đầu thu hồi sổ hộ khẩu giấy

Đại tá Ngô Như Cường, Cục phó Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an cho biết, đối với sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp trước ngày 1/7, những sổ này vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31/12/2022.

Tuy nhiên, khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký thường trú, điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, tách hộ, xóa đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú, xóa đăng ký tạm trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan công an sẽ thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Từ 1/7, người dân có thể đăng ký thường trú ở xã, phường ảnh 6
Công an phường Ngọc Thuỵ ngày đầu thực hiện quy định mời về Luật Cư trú. Ảnh: Đ.H

Việc bãi bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng giấy được rất nhiều người mong đợi với kỳ vọng sẽ giảm bớt thủ tục giấy tờ khi thực hiện các giao dịch hành chính.

Công dân đều bình đẳng khi đăng ký thường trú ở thành phố lớn

Theo Cục C06, Luật Cư trú năm 2020 đã bãi bỏ hoàn toàn các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương, tức là, không có quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương.

“Việc đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là như nhau, không có sự phân biệt và được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc, tạo sự bình đẳng trong quản lý cư trú đối với mọi công dân; bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của công dân đang sinh sống trên địa bàn thành phố trực thuộc Trung ương nhưng chưa được đăng ký thường trú mặc dù có chỗ ở hợp pháp” - lãnh đạo C06 cho biết.

MỚI - NÓNG