TS. Nguyễn Tùng Lâm nói về 'hiện tượng' Nam Trung Yên

TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội.
TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội.
TPO - Liên quan đến cách hành xử của một số nhà giáo trong thời gian qua, nhất là việc bức xúc dư luận ở Trường tiểu học học Nam Trung Yên, Hà Nội, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội đã có những chia sẻ về tâm lý, đạo đức cũng như vấn đề bổ nhiệm cán bộ trong giáo dục.

Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm thiếu sót của cô hiệu trưởng trường tiểu học Nam Trung Yên không phải ngẫu nhiên mà nó có tính quá trình trong việc vi phạm đạo đức nhà giáo. Cô hiệu trưởng đã không giữ đúng cương vị  hiệu trưởng, không giữ đúng phẩm chất mà người hiệu trưởng cần có.

Nhiều người đặt câu hỏi tại sao hiệu trưởng này đã vi phạm mà vẫn được đề bạt, bổ nhiệm tiếp, phải chăng cứ cán bộ là được “chuyển ngang”?

Hiệu trưởng mà dùng quyền lực để thỏa mãn nhu cầu cá nhân, bất chấp sự nghiệp thì không bao giờ  bền vững. Đối với giáo dục, những hiệu trưởng như thế có tác hại ghê gớm vì tác động đến con người. 

"Đã có khuyết điểm rồi lại còn chuyển từ nơi này sang nơi khác thì công tác cán bộ của chúng ta đang có vấn đề", TS Lâm nhấn mạnh.

Trong quá trình xảy ra sự việc, cô hiệu trường có những hành vi thiếu trung thực, cũng có nhiều cơ hội để sửa sai nhưng vị hiệu trưởng này đã không dùng, ông nghĩ sao?

Như tôi đã nói, vị hiệu trưởng này rất chủ quan. Có lẽ do đã “thoát” được nhiều lần nên không sợ gì cả. “Chưa chết hụt nên chưa sợ cành cây cong”. Lần này, phải nói  một phần nhờ truyền thông quyết liệt vào cuộc  nên vấn đề  mới lộ diện. 

Kết cục này là hậu quả của cả quá trình sống bằng quyền lực vốn có được nhà nước giao. Đồng ý rằng ai cũng có lúc thiếu sót, sai lầm. Nhưng biết nhận ra sai lầm, thiếu sót để tự điều chỉnh, hoàn thiện bản thân thì chắc sẽ không có hậu quả đáng tiếc.  

Từ đây, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục của chúng ta cần rút kinh nghiệm như thế nào?

Nhiều thầy cô dạy học sinh có lòng trung thực, dũng cảm, nhưng họ làm ngược lại. Vấn đề đạo đức của nhà giáo, của các nhà quản lý giáo dục phải xem xét lại. Vì thế công tác tuyển dụng, bổ nhiệm trong các nhà trường phải được cải tiến, làm chặt chẽ hơn nữa, không để như tình trạng hiện nay “con sâu làm rầu nồi canh”.

TS. Nguyễn Tùng Lâm

Đối với giáo viên, đã làm nghề dạy học, bao giờ cũng quan tâm tới đạo đức. Vì bản thân họ là một công cụ để giáo dục. Do đó, phải thường xuyên có ý thức rèn luyện, điều chỉnh mình cho đúng. Cán bộ quản lý giáo dục thì càng phải làm gương hơn. 

Vì trong nhà trường, người làm quản lý không những tác động phát triển nhân cách học trò mà nhân phẩm của họ còn là nhân cách của người dạy, của các thầy cô trong trường. Cán bộ quản lý không chỉ là các nhà quản lý mà thực sự họ phải là các nhà sư phạm, các nhà giáo dục. Vì vậy, chuẩn mực đạo đức phải được đưa lên đầu tiên.

Tôi nghĩ, ở đây, các cán bộ quản lý trong nhà trường cũng phải có văn hóa chịu trách nhiệm về việc làm của mình. Không cần ai phải kỷ luật, nếu mình để xảy ra những chuyện đáng tiếc, không đáng có thì phải dũng cảm nhìn nhận vấn đề. Tất nhiên khâu xử  lý này cũng có lỗi của cơ quan quản lý trường học. Phòng, quận là cơ quan quản lý trực tiếp nhưng không tập trung giải quyết nhanh chóng, rõ ràng. Chắc mọi người hy vọng để cho “chìm xuồng” nhưng do sức ép của dư luận, của cơ quan báo chí nên không thể chìm nổi. 

Vậy theo ông, công tác bổ nhiệm cán bộ hiện nay có lỗ hổng gì, hạn chế gì?

Chúng ta chưa tuyển chọn đúng những nhà giáo dục, những thầy cô giáo tâm huyết có tài năng thực sự. Hiện nay, tiêu chuẩn, quy trình chọn lọc cán bộ quản lý của chúng ta rất rõ ràng. Nhưng đến khi xử lý thì không theo các chuẩn đó. 

Thứ hai, phải đặt ra một chuẩn mực nữa. Nếu đề bạt  không đúng, ai là người ký cuối cùng thì người đó phải chịu trách nhiệm. Nếu không, sẽ vẫn chỉ sản phẩm của tập thể, trách nhiệm của tập thể. Do đó, phải có quy định thế nào để sản phẩm là của  tập thể làm nhưng cá nhân phải chịu trách nhiệm. Tập thể đề bạt nhưng người cuối cùng ký phải sàng lọc thông tin và chịu trách nhiệm trước quyết định bổ nhiệm của mình.

Ông có lý giải gì trước tình trạng cán bộ quản lý bị xử lý kỷ luật ở chỗ này lại vẫn được bổ nhiệm, giữ chức ở chỗ khác?

Cái này tôi nghĩ là không được. Chúng ta phải có thêm tiêu chuẩn. Nếu bị xử lý kỷ luật không làm quản lý ở chỗ này, thì phải điều chuyển đi làm việc gì đó phù hợp với họ chứ không được làm quản lý nữa.  Để giải quyết triệt để được vấn đề  này, theo tôi chính là quy trách nhiệm cá nhân. Nếu không quy được trách nhiệm cá nhân, chúng ta sẽ  mãi đánh bùn sang ao, các vấn đề cứ được thu nhỏ dần, nhỏ dần và chìm xuồng hết.

Xin cảm ơn ông!

Thầy Nguyễn Văn Thuận, Phó hiệu trưởng ĐH sư phạm Huế, ĐH Huế: Bản chất của con người không xấu mà do nhiều nguyên nhân xô đẩy để dẫn họ tới hành động xấu. Người thầy vừa là người dạy dỗ học sinh, vừa là tấm gương để học sinh noi theo. Vì vậy, với những vi phạm đạo đức nhà giáo, cần xử lý nghiêm minh. Nếu vi phạm nặng, có thể phải đưa ra khỏi ngành.

Như đã đưa tin, ngày 1/12/2016, em Trần Chí Kiên bị ngã gãy xương đùi do va chạm với taxi chở cô hiệu trưởng, hiệu phó trường này trong sân Trường Tiểu học Nam Trung Yên. Tuy nhiên cả hiệu trưởng hiệu phó đều gian dối, nhập nhèm trong thông tin phủ nhận vụ việc, thậm chí có những hành động, lời khai cản trở công tác điều tra, gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến danh dự nhà giáo.

Ngày 6/2, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và các bên liên quan xem xét, đình chỉ chức vụ hiệu trưởng của bà Ngọc để chờ kết luận vụ việc.

Ngày 21/2, UBND quận Cầu Giấy đã công bố quyết định cách chức Hiệu trưởng, Hiệu phó trường Nam Trung Yên đối với bà Tạ Thị Bích Ngọc và bà Nguyễn Thị Hương.

MỚI - NÓNG