TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Không để tình trạng làm cũng được, không làm cũng được

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, một trong những nguyên nhân khiến cán bộ không dám làm, dám quyết là do các quy định pháp luật còn chống chéo. Do đó, trước mắt cần thể chế hóa nhanh Kết luận 14 của Bộ Chính trị về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung,

Tại buổi tọa đàm “Hóa giải nỗi sợ sai để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung” do Báo Tiền Phong tổ chức ngày 26/4, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: Hiện Việt Nam đang có nhiều luật, trong đó một số quy định chồng chéo giữa các luật với nhau. Như thế, sẽ rất khó để hoạt động, điều hành quản lý an toàn nhằm thúc đẩy đời sống xã hội.

Về nguyên nhân cán bộ không dám làm thì có nhiều, tuy nhiên theo ông Dũng, có thể do năng lực của cán bộ, công chức hạn chế nên không biết làm như vậy có đúng luật không, có vi phạm không? Điều này có nguyên nhân là do chưa có phân tách tương đối mạch lạc giữa hành pháp chính trị và hành chính công vụ.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Không để tình trạng làm cũng được, không làm cũng được ảnh 1

Ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tại buổi tọa đàm do Báo Tiền Phong tổ chức ngày 26/4

Về hệ thống pháp luật, hiện Việt Nam hiện ban hành quá nhiều quy định điều chỉnh hành vi của cả người dân, lẫn cán bộ, công chức. Có thể nói, rủi ro lạm dụng điều chỉnh là khá rõ ràng.

"Ở ta, cái gì cũng bảo thiếu luật, nhưng cái chính là cũng cần phải quan tâm đến tình trạng thiếu không gian để sáng tạo và hành động. Do đó, cần phải cân đối giữa tự do và điều chỉnh luật. Cần phải khi thật cần thiết mới ban hành luật" , ông Dũng nói.

Một vấn đề nữa là luật khung và luật chi tiết. Nhiều người cho rằng, luật cần phải thật chi tiết, để làm sao khi luật được ban hành là thực thi được ngay. Tuy nhiên, càng chi tiết thì luật càng không phải ánh hết thực tế của cuộc sống và càng khó áp dụng cho các trường hợp cụ thể. Như vậy, càng chi tiết sẽ càng bó chặt. Luật khung sẽ tạo không gian cho sự sáng tạo và áp dụng vào các trường hợp cụ thể của cuộc sống. Tuy nhiên, luật khung sẽ dễ tạo điều kiện cho sự tự tung, tự tác và cho tham nhũng. Do đó, cần có sự cân đối giữa luật khung và luật chi tiết.

Sớm thể chế hóa Kết luận 14

Theo ông Dũng để cán bộ dám nghĩ, dám làm, trước mắt cần thể chế hóa nhanh Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Đồng thời tạo khuôn khổ cho quy chế sandbox thử nghiệm.

"Nếu không có thể chế thử nghiệm, chúng ta tụt hậu nhiều so với thế giới. Nếu TP.HCM xin thì nên cho TP.HCM thử nghiệm trước”, ông Dũng nói.

Cùng với đó, theo ông Dũng, kỷ luật hành chính phải được áp đặt. Không có kiểu làm cũng được không làm cũng được. Về dài hạn thì nên cắt bỏ các thủ tục, các điều kiện không hợp lý. Cái nào vướng, ách tắc thì nên bỏ ngay.

Về dài hạn, ông Dũng đề nghị tiếp tục điều chỉnh để có nền hành chính công vụ chuyên nghiệp. Xây dựng những người thực hiện hành chính công vụ giỏi chuyên môn, giỏi hơn những người thanh tra, kiểm tra.

"Phải có được người tài, phải cầu người tài. Phải nói rất rõ hành chính công vụ phải thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Áp lực công việc tạo nên người tài”, ông Dũng nói.

MỚI - NÓNG