TS Đinh Bá Hòa: Phản cảm, sai lầm đưa xe cơ giới vào tu bổ tháp cổ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tiến sĩ Đinh Bá Hòa, nguyên Giám đốc Bảo tàng Bình Định cho rằng việc đưa phương tiện cơ giới vào khu vực chân Tháp Bánh Ít là cách làm phản cảm, phá vỡ cảnh quan một cách rất nghiêm trọng.

Liên quan đến việc, đơn vị chủ đầu tư để đơn vị thi công đưa phương tiện cơ giới vào thi công, san gạt ở khu vực Tháp Bánh Ít, TS Đinh Bá Hòa, nguyên Giám đốc Bảo tàng Bình Định cho rằng đây là việc sai hoàn toàn.

TS Đinh Bá Hòa: Phản cảm, sai lầm đưa xe cơ giới vào tu bổ tháp cổ ảnh 1

Tiến sĩ Đinh Bá Hòa, nguyên Giám đốc Bảo tàng Bình Định. Ảnh:M.B

Theo TS Đinh Bá Hòa, trong Luật Di sản văn hóa đã quy định rõ, những khu vực nào cần bảo vệ nghiêm ngặt, bất khả xâm phạm, và khu vực nào có thể điều chỉnh.

“Trước đây, các đơn vị chức năng nghiên cứu, xây dựng hồ sơ di tích đã quy định Tháp Bánh Ít chỉ có một khu vực duy nhất (khu vực I), mà khu vực I trong Luật Di sản văn hóa quy định là bất khả xâm phạm, cấm làm thay đổi cảnh quan của di tích”, ông Hòa nói.

Tiến sĩ Đinh Bá Hòa cho rằng việc đưa phương tiện cơ giới vào chân Tháp Bánh Ít là cách làm phản cảm, phá vỡ cảnh quan một cách rất nghiêm trọng. Rồi lại đưa bồn hoa cây cảnh vào sát chân tháp đều không đúng, bởi trong quá trình tưới nước lâu ngày theo thời gian sẽ làm ảnh hưởng đến độ bền của chân tháp, ảnh hưởng đến kết cấu di tích. Đây là hành vi xâm phạm di tích Tháp Chăm rất nghiêm trọng.

TS Đinh Bá Hòa: Phản cảm, sai lầm đưa xe cơ giới vào tu bổ tháp cổ ảnh 2

Đưa phương tiện cơ giới vào sát chân tháp cổ. Ảnh: P.H

“Tôi cũng không hiểu đơn vị chủ đầu tư khi làm cái này cũng không tham vấn các chuyên gia. Trước kia, khi thực hiện các dự án khác cũng đều tham vấn và có chuyên gia tham gia”, TS Hòa nói đồng thời cho rằng việc để doanh nghiệp, đơn vị thi công huy động phương tiện cơ giới xâm hại Tháp Bánh Ít cần truy cứu trách nhiệm chủ đầu tư là Sở VH&TT tỉnh Bình Định.

Cũng theo TS Hòa, Tháp Chăm cổ đẹp nhất là giữ nguyên vẻ đẹp điêu khắc trên tháp, bản thân tháp đã đẹp rồi, không cần phải làm thêm bồn hoa cây cảnh hay bê tông hóa khuôn viên tháp. Vật liệu đá xây lát nền cho các di tích Tháp Chăm là chỉ sử dụng đá tổ ong, không sử dụng những vật liệu mới như gạch, đá chẻ.

Như Tiền Phong đưa tin, sau khi nghe phản ánh, đồng thời thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, Thanh tra của Sở Xây dựng Bình Định đã phối hợp với UBND xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước) và các bên liên quan kiểm tra công trình dự án xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Tháp Bánh Ít (xã Phước Hiệp).

TS Đinh Bá Hòa: Phản cảm, sai lầm đưa xe cơ giới vào tu bổ tháp cổ ảnh 3

Tháp Bánh Ít đang được tu bổ. Ảnh: T.Đ

TS Đinh Bá Hòa: Phản cảm, sai lầm đưa xe cơ giới vào tu bổ tháp cổ ảnh 4

Xây gạch bồn hoa quanh chân Tháp Chính. Ảnh: T.Đ

Qua buổi làm việc, Thanh tra Sở Xây dựng Bình Định đề nghị chủ đầu tư và các đơn vị liên quan ngừng ngay việc thi công san gạt sân phía trước tháp chính và khuôn viên tháp chính bằng máy cơ giới. Đưa thiết bị máy móc ra khỏi hiện trường.

Liên quan sự việc này, những ngày qua, dư luận tỏ ra lo ngại trước việc thi công tại công trình, do việc chủ đầu tư để đơn vị thi công đưa phương tiện cơ giới đào múc tại khu vực xung quanh Tháp chính, việc này sẽ tạo rung chấn, ảnh hưởng đến ngôi tháp cổ. Ngoài ra, một số hạng mục của dự án đang được xây dựng, tu bổ bằng gạch đá và bê tông.

Sau khi nhận được thông tin phản ánh, Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL) cũng đã có văn bản đề nghị Sở VH&TT Bình Định kiểm tra thực tế, chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương có giải pháp bảo vệ di tích; căn cứ nội dung dự án đã được thẩm định, thỏa thuận để rà soát các biện pháp thi công đảm bảo không ảnh hưởng đến di tích gốc và cảnh quan, môi trường – sinh thái của di tích. Kết quả gửi báo cáo về Bộ VH-TT&DL (qua Cục Di sản văn hóa) trước ngày 11/3.

Ngày 1/9/2021, UBND tỉnh Bình Định có quyết định về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Công trình: Xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích tại tháp Bánh Ít. Công trình do Sở VH&TT tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư với tổng kinh phí xây dựng 25,6 tỷ đồng. Đây là dự án nhóm C, vốn ngân sách nhà nước do tỉnh quản lý bố trí cho dự án trong giai đoạn 2021 - 2025, thời gian thực hiện từ năm 2021 - 2022.

Tháp Bánh Ít là quần thể tháp Chăm gồm 4 tháp: Tháp Cổng, Tháp Hỏa, Tháp Bia và Tháp Chính cùng nằm trên ngọn đồi cao bên sông Kôn thuộc xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước), công trình được xây dựng từ cuối thế kỷ XI đầu thế kỷ XII, mang đậm dấu ấn văn hóa Chăm trên đất Bình Định.

MỚI - NÓNG