Truyền thống đón năm mới của một số nước

Truyền thống đón năm mới của một số nước
Không chỉ ở Việt Nam mới có những phong tục truyền thống của ngày Tết cổ truyền mà ở khắp nơi trên thế giới cũng có những phong tục tập quán riêng trong ngày Tết của dân tộc mình.
Truyền thống đón năm mới của một số nước ảnh 1
Pháo hoa rực trời Sydney, Australia trong thời khắc đón mừng năm 2006.

Anh: Vào đêm giao thừa, người dân thường tập trung tại Quảng trường Trafalgar, rạp xiếc Piccadilly hay tụ tập ở những khu vực lân cận để lắng nghe tiếng chuông đồng hồ Big Ben báo hiệu năm mới đến.

Đúng giờ phút chuyển giao năm cũ và năm mới, tất cả mọi người nắm tay nhau và cùng hát vang bài Auld Lang Syne.

Phong tục xông đất đầu năm là phong tục truyền thống. Vị khách nam đến nhà sau nửa đêm thường được cho là mang lại điều may mắn, và thường họ sẽ mang theo quà như tiền, bánh mì hay than đá, những thứ mà theo quan niệm sẽ mang lại sự no đủ cho cả năm.

Australia: Từ ngày 31/12 của năm cũ, người dân đã tổ chức nhiều bữa tiệc linh đình. Vào đêm giao thừa, mọi người sẽ huýt sáo, bấm còi inh ỏi và rung chuông để báo hiệu năm mới đã tới.

Năm mới là thời gian dành cho các hoạt động ngoài trời. Người dân thường đi picnic, cắm trại trên bờ biển, chơi trò lướt sóng hay cưỡi ngựa.

Hàn Quốc: Vào đêm giao thừa, người dân thường đặt rơm, cào hoặc sàng ở cửa ra vào, tường để bảo vệ gia đình khỏi linh hồn ác độc.

Ngày đầu tiên của năm mới được gọi là Sol-nal. Đây là thời điểm để gia đình thắt chặt lại quan hệ và chuẩn bị cho năm mới. Tại đây, lễ thờ cúng tổ tiên diễn ra. Tiếp đó, người già sẽ trao những đồng tiền mới hay quà cho con trẻ.

Áo: Đêm giao thừa được gọi là Sylvesterabend, nghĩa là đêm của Saint Sylvester. Họ mở một bữa tiệc rượu pha nước nóng, đường, cây quế vào rượu vang đỏ để đón mừng ông.

Các quán rượu và quán trọ được trang trí với các vòng hoa đầy cây xanh. Hoa giấy, cờ đuôi nheo, rượu sâmpanh cũng là một phần của đêm giao thừa.

Lễ hội nửa đêm sẽ được mở và kèn trompet sẽ được thổi từ các tháp nhà thờ vào lúc nửa đêm. Mọi người trao cho nhau những nụ hôn. Pháo hoa được bắn khắp các thành phố.

Truyền thống đón năm mới của một số nước ảnh 2
Pháo hoa trong đêm giao thừa ở London

Bỉ: Đêm giao thừa được gọi là Sint Sylvester Vooranvond. Người ta tổ chức những bữa tiệc gia đình đêm giao thừa.

Lúc nửa đêm, mọi người sẽ hôn nhau, trao cho nhau những tấm thiệp chúc may mắn, nâng cốc chúc mừng đến những người họ hàng và những người bạn vắng mặt.

Các thành phố, các tiệm cafe và các nhà hàng đông đúc những người đến tụ tập để nói lời chào tạm biệt năm cũ.

Đan Mạch: Sẽ là điềm may mắn nếu năm mới bạn nhìn thấy ở cửa nhà mình một đống đĩa vỡ. Những chiếc đĩa cũ được giữ lại trong năm cũ sẽ được người Đan Mạch ném vào nhà những người bạn của họ vào đêm giao thừa.

Có nhiều đĩa bị vỡ là dấu hiệu cho thấy bạn có nhiều bạn bè. Đêm giao thừa được đánh dấu bằng hai tin quan trọng trên radio và truyền hình, theo thứ tự là phát biểu chào năm mới của nhà vua lúc 18 giờ và âm thanh của chiếc đồng hồ Tòa thị chính lúc nửa đêm tại Copenhagen, đánh dấu bắt đầu năm mới.

Nga: Để đón năm mới, người ta thường đặt một cây thông cao, được trang hoàng ở trung tâm các thành phố lớn. Bữa tiệc tất niên chính thức sẽ diễn ra tại điện Kremli, khoảng 50.000 người sẽ tham dự. Các món ăn đặc trưng trong năm mới thường là thịt và khoai tây.

Đức: Mọi người sẽ rót chì lỏng vào nước lạnh và thử đoán tương lai từ hình dạng chì được tạo thành.

Truyền thống đón năm mới của một số nước ảnh 3
Phụ nữ và trẻ em ở Lahore, Pakistan thắp đèn dầu chào đón năm mới.

Hình dáng một trái tim hay một chiếc nhẫn nghĩa là sẽ có một đám cưới, hình một chiếc tàu sẽ là một chuyến đi xa, hình dáng một chú lợn sẽ là đầy đủ lương thực cho cả năm.

Vào đêm giao thừa, mọi người cũng sẽ bỏ một ít của mỗi phần ăn lên đĩa của mình cho đến sau nửa đêm. Người ta tin điều này sẽ đảm bảo tủ đựng thức ăn sẽ luôn đầy đủ. Cá chép cũng được để dành lại vì nó được cho là đem lại sự giàu có.

Hy Lạp: Ngày 1/1 là ngày quan trọng do nó không chỉ là ngày đầu năm mới mà còn là ngày của St. Basil - một tổ tiên của nhà thờ chính thống Hy Lạp.

Ông được tưởng nhớ vì sự bao dung và lòng độ lượng đối với người nghèo. Ông được cho là mất vào ngày 1/1, vì vậy ngày này được xem là ngày vinh danh ông.

Năm mới có lẽ là ngày hội phổ biến hơn và quan trọng hơn cả ngày Giáng sinh khi đây là ngày chủ yếu để tặng quà và kể những câu chuyện về lòng nhân ái của St. Basil đối với trẻ em và những câu chuyện làm thế nào mà ông đến vào ban đêm để lại quà cho trẻ trong giày của chúng.

Hà Lan: Người dân đốt các cây thông Noel trên đường thành những đám lửa, xem đó là cách xua đi những xui rủi của năm cũ và bắn pháo hoa để chào năm mới.

Nam Mỹ: Vào dịp năm mới người ta thường tạo ra người nộm. Con bù nhìn này rất giống người và được đặt ở ngoài cửa nhà.

Tới nửa đêm, người dân sẽ đốt hình nộm này, khi khói bắt đầu bốc lên, pháo hoa được châm ngòi để báo hiệu năm mới tới.

Puerto Rico: Trẻ em thường tạt nước qua cửa sổ vào giữa đêm với tin tưởng rằng nhà cửa sẽ sạch bóng những hồn ma.

Bolivia: Các gia đình thường làm búp bê bằng gỗ hoặc rơm treo ngoài cửa để đem lại may mắn.

Bồ Đào Nha: Nhặt và ăn 12 quả nho từ một chùm nho khi đồng hồ điểm 12 tiếng vào đêm giao thừa. Điều này nhằm đem lại niềm vui cho cả 12 tháng trong năm mới.

Tại Bắc Bồ Đào Nha, trẻ con đi hát mừng từ nhà này sang nhà khác được đãi tiệc và cho tiền. Chúng hát những bài hát truyền thống hay bài hát của Janeiro được cho là sẽ đem lại điều may mắn.

Vân Phương
Báo Công Lý

MỚI - NÓNG