Thầy cúng chuẩn bị mâm cúng sức khỏe cho voi và chủ voi |
Ông Y Kô Niê, người tâm huyết với văn hóa Tây Nguyên, Phó trưởng đoàn ca múa dân tộc (nguyên Trưởng phòng quản lý văn hóa, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Đắk Lắk) cho biết, truyền thống của dân tộc bản địa Tây Nguyên không có đua voi, chỉ có cúng sức khỏe cho voi.
Lễ cúng sức khỏe voi không chỉ là phong tục truyền thống lâu đời của các dân tộc ở Tây Nguyên mà còn là nét độc đáo lôi cuốn người dân và khách du lịch tìm hiểu văn hóa voi.
Voi được cúng sức khỏe |
Voi như người bạn thân thiết của con người. Bây giờ trong lễ cúng sức khỏe cho voi, thầy cúng được mời phải là thầy cúng giỏi, có uy tín và đặc biệt là am hiểu tập tục của đồng bào.
Lễ cúng sức khỏe cho voi mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp, thể hiện lòng yêu thương, quý trọng của con người đối với voi và qua đó nhắn nhủ với mọi người hãy chăm sóc và bảo vệ đàn voi.
"Đồng thời đây cũng là dịp để bà con tạ ơn thần linh, cảm ơn những chú voi đã giúp đỡ cho chủ voi và buôn làng, qua đó mong muốn voi luôn có sức khỏe không đau bệnh để đồng hành cùng con người", ông Y Kô cho biết thêm.
Tắm cho voi |
Ngày xưa Buôn Đôn được biết đến là nơi có nhiều voi rừng nhất Tây Nguyên. Người dân ở đây chủ yếu sinh sống bằng nghề săn bắt, thuần dưỡng voi để lấy sức kéo, buôn bán và trao đổi hàng hóa.
Ngày ấy, mỗi chuyến đi săn kéo dài 5-7 ngày, có khi cả tháng. Từ khi có lệnh của nhà nước cấm săn bắt, đến nay những chuyến hành trình săn voi vẫn còn trong kí ức của các Gru (thợ săn voi) .
Theo già Y Khiă hay còn gọi là Ma Đer (huyện Buôn Đôn), trong mỗi chuyến đi săn đều phải làm lễ trang trọng để cúng thần rừng, cúng những con voi đi săn, những bộ dây thừng bắt voi. Trong suốt cuộc hành trình họ phải liên tục làm lễ cúng, múc nước, nấu ăn…đều phải cúng. Người M’nông nuôi voi phải kiêng kỵ nhiều điều. Những gia đình nuôi voi càng cần tôn trọng những điều ấy.
Những năm gần đây, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột được tổ chức 2 năm một lần trong đó có Lễ hội đua voi. Các nài voi (quản tượng) sẽ cho voi chạy trên bãi đất trống.
Tại mùa lễ hội tháng 3/2019, ở xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) khi tiếng cồng chiêng tấu lên cùng tiếng hô hào của người dân, những chú voi bước đi từng bước chậm chạp trong cuộc thi: Chạy đua 100m, thi voi đá bóng.
Một nài voi ở xã này cho biết: "Tại hội đua voi năm 2019, mặc dù voi đã được thuần dưỡng nhưng trong cuộc thi tôi phải dùng bạo lực nghiêm khắc để hạn chế tình trạng xấu nhất mà voi có thể gây ra vì một cái giật mình, mất bình tĩnh của voi cũng có thể gây hậu quả khó lường cho du khách".
Loại bỏ các hoạt động du lịch truyền thống, trực tiếp đến voi |
Trước thực trạng đàn voi nhà bị giảm sút nhanh về số lượng và xung đột giữa người – voi xảy ra trong thời gian gần đây, tỉnh Đắk Lắk đã chuyển đổi từ du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi.
Mô hình này là hình thức vào rừng tham quan, tìm hiểu các hoạt động, sinh hoạt hằng ngày của voi. Du khách được ngắm voi từ xa, theo dõi voi ăn, tắm, ngủ, đi dạo cùng voi trong rừng... Bên cạnh đó, các hoạt động du lịch truyền thống, trực tiếp tác động đến voi như cưỡi, tiếp xúc trực tiếp với voi sẽ bị cấm, để tránh ảnh hưởng đến voi.
Trước đó, trên một số diễn đàn mạng xã hội xuất hiện những ý kiến cho rằng trong bài "Hội đua voi ở Tây Nguyên" của sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 3 (tập 2, nhà xuất bản Giáo dục do Nguyễn Minh Thuyết chủ biên) có những nội dung phi thực tế.
Theo đó ở trang 60, mục tập đọc sách này nói về Hội đua voi ở Tây Nguyên viết rằng: “Trường đua voi là một đường rộng phẳng lì, dài hơn năm cây số”.
Với cụm từ "trường đua voi..." người đọc sẽ hiểu: việc tổ chức đua voi có “trường đua” hẳn hoi.