'Truyền nhân' của GS Trần Văn Khê đã ra đi

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc GS.TS Trần Quang Hải còn được coi là “Người truyền nhân xuất sắc nhất của GS-TS Trần Văn Khê”. Suốt cuộc đời, ông hết lòng nghiên cứu, đem âm nhạc dân tộc Việt Nam giới thiệu khắp thế giới.

Hết lòng vì âm nhạc dân tộc

GS-TS Trần Quang Hải sinh năm 1944 tại TPHCM, ông là hậu duệ đời thứ 5 dòng tộc nhạc sỹ Cung đình Huế. Ngoài cha là GS.TS Trần Văn Khê nổi tiếng, Trần Quang Hải còn có người chú là Trần Văn Trạch, một người tài năng không chỉ trong lĩnh vực âm nhạc mà còn trong điện ảnh, sân khấu. Trần Quang Hải sớm bị ảnh hưởng và định hướng đi theo con đường âm nhạc ngay từ nhỏ. Sau khi tốt nghiệp khoa violon tại trường Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn, Trần Quang Hải sang Pháp tiếp tục học nâng cao về violon.

'Truyền nhân' của GS Trần Văn Khê đã ra đi ảnh 1

Vợ chồng GS.TS Trần Quang Hải và ca sỹ Bạch Yến

Tại đây, trong một lần gặp cha, ông đã được khuyên nhủ nên học về âm nhạc dân tộc. Nghe lời cha, Trần Quang Hải chuyển qua học về đàn tranh, đàn nhị, đàn bầu và đồng hành cùng với cha mình giới thiệu âm nhạc Việt đi nhiều nước trên thế giới. Ông lấy bằng tiến sĩ âm nhạc dân tộc Việt Nam tại Pháp, trở thành người Việt Nam thứ 2 (sau cha mình) có bằng tiến sĩ âm nhạc dân tộc. “Nếu không có cha, suốt đời tôi sẽ chỉ là một nhạc công vĩ cầm”, Trần Quang Hải đã từng nói về cha mình như thế.

GS.TS Trần Quang Hải còn làm việc cho Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu khoa học (Musée de l’Homme) tại Paris từ năm 1968. Trong quá trình làm việc, ông có những nghiên cứu đặc biệt trong lĩnh vực Dân tộc âm nhạc học như: hát đồng song thanh, phát triển gõ muỗng, phát triển kỹ thuật biểu diễn đàn môi… và được nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc trên thế giới quan tâm. Ông cũng là thành viên của Hội đồng Âm nhạc truyền thống quốc tế.

GS.TS Trần Quang Hải sống, làm việc, nghiên cứu âm nhạc dân tộc Việt Nam tại Pháp từ những năm 1960. Năm 2017, ông phát hiện mình bị ung thư máu. Năm 2019, bệnh trở nặng, bác sĩ chẩn đoán ông còn bị suy thận, tiểu đường. Tuy nhiên, ông vẫn chọn cách sống lạc quan, vừa điều trị bệnh vừa tiếp tục nghiên cứu âm nhạc. Năm 2019, ông đã xuất bản 2 quyển sách gồm “50 năm nghiên cứu nhạc truyền thống Việt Nam”, “Hát đồng song thanh”. GS.TS Trần Quang Hải qua đời lúc 0h ngày 29/12 tại Pháp, hưởng thọ 78 tuổi.

Tại Việt Nam, Trần Quang Hải cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu về âm nhạc dân tộc. Nghệ thuật hát Xoan, hát Ả đào, Đờn ca tài tử được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại có công rất lớn của cha con Trần Văn Khê- Trần Quang Hải.

Mối tơ duyên với âm nhạc dân tộc

Nữ danh ca Bạch Yến, người vợ thuỷ chung của Trần Quang Hải kể lại mối tình của hai người bắt nguồn từ tình yêu âm nhạc dân tộc. Năm 1978, danh ca Bạch Yến đã là người nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà còn tại một số nước như Mỹ, Canada, Pháp, Ý bà chuyên hát các ca khúc nước ngoài. Một lần gặp Trần Quang Hải, Bạch Yến bị thuyết phục bởi vẻ đẹp của âm nhạc dân tộc Việt Nam. Từ yêu nhạc dân tộc, Bạch Yến đã nhận lời làm vợ của người đã truyền tình yêu âm nhạc ấy cho bà. Từ một ca sĩ chuyên hát nhạc nước ngoài, Bạch Yến học để được hát nhạc dân tộc. Hơn 40 chung sống, bà cùng với chồng đi khắp thế giới để giới thiệu nhạc dân tộc Việt Nam. Vợ chồng Trần Quang Hải- Bạch Yến đã thực hiện hơn 3.000 buổi giới thiệu âm nhạc dân tộc Việt Nam ở 70 nước trên thế giới…

“Ngoài tình vợ chồng, chúng tôi còn có chung mối tình lớn là tình yêu âm nhạc dân tộc. Tôi hát, anh Hải đàn, rồi anh Hải còn hoà giọng chung với tôi. Nhiều chương trình chỉ có mình tôi với anh Hải nhưng khi hát xong, vẫn có nhiều tiếng vỗ tay tán thưởng chúng tôi. Vẻ đẹp của âm nhạc dân tộc đã giúp chúng tôi thăng hoa”, Bạch Yến kể.

'Truyền nhân' của GS Trần Văn Khê đã ra đi ảnh 2

GS.TS Trần Quang Hải trình diễn đàn môi. Ảnh: FBNV

Không chỉ đem âm nhạc Việt Nam đi giới thiệu trên thế giới, GS.TS Trần Quang Hải còn về nước, sưu tầm các loại hình âm nhạc dân gian. Ông có công trình nghiên cứu khá độc đáo về kỹ thuật đàn môi của người H’mông tại Việt Nam và giới thiệu kỹ thuật đàn này ra thế giới. Ông được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Người trình diễn đàn môi H’Mông tại nhiều quốc gia nhất thế giới”. GS-TS Trần Quang Hải cũng xác lập kỷ lục “Người thể hiện tiết tấu - âm thanh đa dạng nhất từ nghệ thuật gõ muỗng” với hơn 1.500 buổi trình diễn. Năm 2017, GS- TS Trần Quang Hải trao tặng toàn bộ sách, vở, băng đĩa và các tư liệu ông đã sưu tầm, nghiên cứu suốt cuộc đời của ông cho Học viện Âm nhạc Quốc Gia Việt Nam.

Năm 2015, sau khi GS.TS Trần Văn Khê qua đời, GS.TS Trần Quang Hải nhận lời làm Chủ tịch danh dự của quỹ học bổng mang tên cha. Ngày 23/12 vừa qua, Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh GS.TS Trần Văn Khê, quỹ học bổng mang tên ông chính thức ra mắt tại TPHCM.

MỚI - NÓNG