Truyện Kiều vang lên trên YouTube

0:00 / 0:00
0:00
NSND Thanh Hoài thể hiện một trích đoạn Kiều. Ảnh: Nguyễn Hòa
NSND Thanh Hoài thể hiện một trích đoạn Kiều. Ảnh: Nguyễn Hòa
TP - Những người yêu Truyện Kiều có thêm một lối tiếp cận đầy nghệ thuật với tác phẩm qua hình thức ngâm theo lối cổ có nhạc đệm do các nghệ sĩ hàng đầu thể hiện. Toàn văn truyện Kiều đang được đưa dần lên YouTube từ nay đến 24/4.

Hóa ra “các cụ” đã sáng tạo riêng một lối ngâm dành cho Kiều gọi là “lảy Kiều”. Chính vì thế mà nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long- người sáng lập dự án đã quyết định chỉ dùng hình thức ngâm này để thể hiện toàn văn tác phẩm. Anh cho hay: “Nghệ thuật ngâm cổ có nhiều nhánh khác nhau từ sa mạc, bồng mạc đến bỉ trong quan họ, hát nói trong ca trù… Kiều cũng thành một nhánh trong đó. Nếu sử dụng nhiều hình thức khác nhau để ngâm Kiều sẽ không còn sự độc đáo nữa. Lảy Kiều cũng là tâm điểm âm nhạc chúng tôi muốn nhấn mạnh trong dự án này”.

Dự án được Quang Long ấp ủ từ lâu nhưng lần lữa vì chưa có kinh phí. Cho tới đầu năm nay, được sự hỗ trợ ban đầu từ quỹ Thiện Tâm, anh bắt tay vào hiện thực hóa. Cái tên Ngâm Kiều toàn truyện do nhà thơ Hồng Thanh Quang đặt. Các nghệ sĩ góp giọng bao gồm: NSND Thanh Hoài, NSND Thúy Ngần, NSƯT Quốc Khanh, Văn Phương, Thúy Nga; dàn nhạc gồm: Trần Quế Hương (đàn tranh), Phạm Đức Bình (đàn nguyệt), Lê Tiến Trung (sáo, bầu), NSƯT Xuân Hải (nhị). Nhóm của họa sĩ Nguyễn Quỳnh chịu trách nhiệm vẽ minh họa…

Được biết đây là dự án đầu tiên và duy nhất giới thiệu Truyện Kiều hoàn toàn theo lối ngâm. Tổng thời lượng Truyện Kiều sau khi được nhạc hóa gần 10 tiếng, chia thành 12 chương, mỗi chương trên 30 cho tới 100 phút. Tất cả đang lần lượt lên sóng tại kênh YouTube Dân ca và Nhạc Cổ truyền vào 20h thứ ba, năm, bảy.

“Trước đây, các bậc trí giả trong túi có một quyển Truyện Kiều, khi cần thì bói Kiều. Tôi nghĩ trong thời đại xe hơi này, chúng ta sẽ có một băng hay USB Ngâm Kiều toàn truyện để khi có điều gì thì nghe một câu ngâm, nghĩ cách xử lý vấn đề”.

Nhà thơ Hồng Thanh Quang

NSND Thúy Ngần ngoài vai trò thể hiện còn tỏ ra thích thú khi thưởng thức tác phẩm do chính mình góp phần tạo nên: “Khi ngâm Kiều tôi thực sự rung động với từng số phận, tính cách nhân vật. Những áng thơ của Nguyễn Du thức tỉnh tôi. Vào tuổi này chúng tôi không còn phải lao tâm khổ tứ để sinh nhai, nên mỗi khi ngồi uống một chén trà, ăn miếng kẹo lạc nghe câu Kiều qua giọng ngâm, qua âm nhạc truyền thống không có gì hấp dẫn, thú vị bằng. Trước đây tôi cũng có đọc Kiều nhưng thường được vài trang lại phải đi làm việc khác. Còn bây giờ có sẵn bản ngâm nên là cứ mở nghe, thấm dần”…

Sau khi Truyện Kiều lên sóng xong xuôi, ê-kip có ý định tái hiện hình thức lảy Kiều. Phần này sẽ có sự vào cuộc của nhà nghiên cứu văn học Phạm Xuân Nguyên, nhà thơ Hồng Thanh Quang… Có mặt tại buổi ra mắt dự án, Phạm Xuân Nguyên trích thơ Chế Lan Viên: “Ta kỷ niệm Nguyễn Du chả ích gì cho Nguyễn/ Chẳng qua là để cho người yêu thơ khỏi tủi trong lòng/ Ông đã hóa mây trắng ngang trời hoài niệm/ Hóa ra Kiều cao gấp mấy đời ông”, rồi Tế Hanh: “Những câu thơ đã thành ca dao tục ngữ/ Ru hồn ta như tiếng mẹ ru nôi” để nói về Kiều. Ông cũng cho rằng câu kết của Nguyễn Du “mua vui cũng được một vài trống canh” nay đã được hiện thực hóa qua dự án này.

Nhà thơ Hồng Thanh Quang bày tỏ vui mừng khi tham gia dự án. Và phát biểu: “Trước năm 1814-1820, thời điểm người ta cho rằng Truyện Kiều được Nguyễn Du viết ra, không có Truyện Kiều người dân vẫn hạnh phúc. Nhưng sau đó, niềm hạnh phúc của người dân không thể không có Truyện Kiều (!). Nếu tuổi thơ chúng ta không được tiếp xúc vài câu Kiều thì lớn lên không có tâm hồn người Việt đầy đủ (!). Không chỉ là một tác phẩm văn học, Kiều còn là nơi tâm hồn Việt nương tựa vào. Không phải ngẫu nhiên mà dân ta ru con cũng bằng Truyện Kiều; khi đang phân vân, khi đang áy náy, khi đang không hiểu điều gì đó, người ta cũng tìm đến Kiều bằng cách bói Kiều. Khi cần hiểu điều gì tinh tế, tế nhị thì lảy Kiều, tập Kiều, tức đưa 1-2 câu Kiều ra, sửa đổi một vài chi tiết để hợp tình hợp cảnh. Như tôi khi bất hạnh cũng tìm sự an ủi trong Truyện Kiều”…

Hồng Thanh Quang cũng chỉ ra sự khác biệt của dự án ngâm Kiều. Ông đánh giá đây là lối thể hiện trung thành hơn cả, không thêm thắt bất cứ thứ gì mà vẫn truyền cho công chúng được cảm xúc cá nhân của các nghệ sĩ hôm nay. “Đây là dự án gần với Nguyễn Du nhất trong dịp kỷ niệm 200 năm ngày mất Nguyễn Du”, Hồng Thanh Quang khẳng định.

MỚI - NÓNG