Truy quét xuất khẩu than trái phép: Lãnh đạo ngành nói gì?

Truy quét xuất khẩu than trái phép: Lãnh đạo ngành nói gì?
TP - Chiều 22/4, trong không khí sôi động thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, chống khai thác, vận chuyển, xuất khẩu than trái phép, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn than&khoáng sản Việt Nam (TKV) Đoàn Văn Kiển trả lời phóng viên Tiền Phong.

Thưa ông, từ lâu nay, nhất là từ khi Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Duy Hưng phát động chiến dịch lớn chống khai thác, vận chuyển, xuất khẩu than trái phép, trong dư luận có ý kiến:

Phải mở chiến dịch này, một phần quan trọng do TKV chưa làm tốt việc quản lý nguồn tài nguyên quan trọng bậc nhất này. Ý kiến ông thế nào?

Là đơn vị được giao quản lý trực tiếp khối tài sản này, chúng tôi như người  giữ kho, để thất thoát tài sản thì phải chịu trách nhiệm; nếu thông đồng với kẻ trộm hoặc bỏ kho đi chơi thì phải bị pháp luật xử lý.

Nhưng công việc cụ thể những gì, quyền hạn đến đâu, trong điều kiện nào, khả năng hoàn thành nhiệm vụ ra sao, lại là vấn đề khác. TKV chưa bao giờ coi nhẹ vấn đề chống khai thác, vận chuyển, xuất khẩu than trái phép. Chưa có vụ sai phạm nào bị phát hiện mà lãnh đạo TKV không xử lý thích đáng trong quyền hạn của mình.

Như báo Tiền phong ngay trước chiến dịch này đã phản ánh, việc khai thác, vận chuyển, xuất lậu than lâu nay đã thành vấn nạn, thành nỗi bức xúc chung.

Có ý kiến cho rằng, trước hết bởi một số đơn vị thuộc TKV có liên kết làm ăn, gắn bó lợi ích với một số đầu nậu rồi quản lý kém hoặc vờ quản lý kém nên mới sinh chuyện...?

Nghĩ thế là không đúng. Gọi “đầu nậu” là cách gọi nôm na, nhưng đi vào cụ thể thì khác. Gần đây nhiều “đầu nậu” đã thành giám đốc Cty này Cty kia, có tư cách pháp nhân, có quyền liên doanh liên kết, hoạt động bình đẳng với các đơn vị thuộc TKV.

Cách đây mấy năm, đúng là có một số đơn vị thuộc TKV do thiếu nhân lực nên phải thuê tư nhân cùng khai thác, vận chuyển rồi phân chia lợi nhuận theo mỗi tấn than thương phẩm.

Đây là lẽ thường trong cơ chế thị trường. Nhưng qua thực tế, thấy nảy sinh tình trạng lợi dụng việc liên kết để kiếm lợi riêng, làm thất thoát tài sản Nhà nước, lãnh đạo TKV đã cho dừng ngay.

Từ năm 2006, các đơn vị thuộc TKV chỉ được thuê đào bới, bốc dỡ, vận chuyển đất đá; công đoạn khấu than, chở than thì phải tự làm hết; đến nay chưa phát hiện đơn vị nào vi phạm.

Từ 1/1/2008, lãnh đạo TKV đã chỉ đạo ngừng vận chuyển than trên quốc lộ 18a (con đường lâu nay than lậu vẫn trà trộn đi cùng than chính ngạch); có một xí nghiệp bị phát hiện không chấp hành, giám đốc mất chức ngay.

Lâu nay tại nhiều khu vực, “than thổ phỉ” khai thác và vận chuyển ồ ạt, có phải đó là nơi TKV bị đẩy lùi?

Đó là những nơi không thuộc quyền quản lý của TKV. Ở nhiều khu vực, TKV chỉ được giao quản lý các vỉa than trong lòng đất, còn phía trên do chính quyền địa phương quản lý.

Người dân được giao đất canh tác; họ làm gì trong vườn họ, đâu dễ người ngoài biết được. (Về luật, đây có chỗ chưa ổn?).

Tại những khu vực các mỏ thuộc TKV đã thuê mặt đất, trong ranh giới các mỏ quản lý, nếu có chuyện thông đồng đào trộm than thì các mỏ đã xử lý ngay. Tình trạng than thổ phỉ  lâu nay vẫn có nhưng không nhiều lắm, bởi chính quyền địa phương cũng kiểm soát, ngăn chặn thường xuyên.

Lượng than xuất lậu theo ước tính của một số người có thể cả chục triệu tấn/năm, theo ông khai thác từ nguồn nào? Liệu trong số hơn trăm con tàu chở đầy than lậu vừa bị bắt giữ có than từ “chính ngạch”?

Theo tôi, lượng than xuất lậu có nhiều nhưng không đến chục triệu tấn/ năm. Số than do các đơn vị thuộc TKV khai thác, mấy năm nay đã do Tập đoàn quản lý và bán; các Cty khai thác không được bán ra ngoài.

Tập đoàn có cách quản lý chặt, nên nếu có thất thoát cũng không nhiều. Lượng than do TKV khai thác, trừ số xuất chính ngạch và số bán cho 4 hộ lớn (điện, xi măng, giấy, phân bón), chỉ còn 7,5 triệu tấn bán cho đủ loại (từ các lò gạch ngói, lò sấy nông sản thực phẩm đến các hộ gia đình).

Theo ông, cần thực thi thêm những giải pháp nào mới khả dĩ ngăn chặn được vấn nạn than nhà nước bị thất thoát?

Tôi nghĩ, trước hết chúng tôi (TKV) phải nâng cao trách nhiệm gìn giữ kho báu này. Phải kiểm soát chặt chẽ thường xuyên; lơi lỏng lúc nào ắt “sinh chuyện” lúc ấy. Chúng tôi sẽ tăng cường quản lý ranh giới khai thác được giao.

Vừa qua, trong việc theo dõi và phối hợp chính quyền địa phương bảo quản phần mặt đất tại các khai trường chưa được giao quản lý, chưa thuê diện tích, TKV làm còn yếu, còn ỷ lại chính quyền chứ ít chủ động; từ nay phải khắc phục.

Tiếp đó, phải phong toả các con đường có cơ vận chuyển trái phép; chính quyền làm là chính nhưng TKV không vì thế mà ít trách nhiệm. Trên đường chuyển than từ mỏ ra cảng, TKV tiếp tục giám sát chặt, nhưng nếu chính quyền địa phương không mạnh tay kiểm tra, xử lý thì lộn xộn vẫn tiếp tục diễn ra tại cảng.

Theo quy định mới, đã thống nhất giữa TKV và tỉnh Quảng Ninh, việc xuất than tiểu ngạch sẽ thực hiện từ tháng 6 tới, không được chậm hơn. Về lâu dài, TKV tiếp tục cùng ngành điện tăng cường đầu tư xây dựng các nhà máy nhiệt điện dùng than chất lượng thấp, vừa giúp giữ được tài nguyên vừa đảm bảo nhu cầu điện trong nước ngày càng cao.

Đồng thời, phải giám sát chặt các hộ tiêu thụ than trong nước, cần đến đâu cung cấp đến đó, không để tình trạng khai khống diện tích lấy phần dư đem xuất. Với mấy hộ tiêu thụ lớn, từ cuối năm 2006 đầu 2007, để giảm thiểu tiêu cực, TKV đã dùng hoá đơn riêng, nay còn cần nhiều giải pháp khác từ phía các cơ quan, đơn vị liên quan.

Nguyên Bảng
Thực hiện

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.