Trường tự bổ nhiệm giáo sư: Không phạm luật nhưng chưa đúng thời điểm

Ông Lê Vinh Danh (người bên phải), Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng là người đầu tiên được trường này bổ nhiệm Giáo sư
Ông Lê Vinh Danh (người bên phải), Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng là người đầu tiên được trường này bổ nhiệm Giáo sư
TP - Việc Trường Đại học (ĐH) Tôn Đức Thắng tự bổ nhiệm chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) trong những ngày vừa qua gây ra nhiều ý kiến trái chiều, trong đó, một số chuyên gia cho rằng, việc làm này tuy không vi phạm pháp luật, song nếu áp dụng với Việt Nam vào thời điểm này thì không hợp lý.

Trong buổi gặp gỡ với báo chí ngày 16/9, ông Vũ An Ninh, Trưởng phòng Tổ chức hành chính Trường ĐH Tôn Đức Thắng, khẳng định việc trường tự bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư không hề vi phạm luật và trường sẽ tiếp tục làm đồng thời cũng đã báo cáo đến các bộ ngành liên quan.

Tự chủ nên tự quyết?

Theo ông Ninh giải thích, về cơ sở pháp lý, việc bổ nhiệm chức vụ chuyên môn cho các chuyên gia, nhà khoa học của trường dựa trên quyền tự chủ được Thủ tướng cho phép thí điểm theo Quyết định 158. Theo đó, trường phân chức vụ bổ nhiệm ra làm hai loại, gồm chức vụ quản lý và chức vụ chuyên môn. Trong chức vụ chuyên môn gồm có tập sự giảng dạy, trợ giảng, giảng viên, giáo sư trợ lý, GS và PGS.

Đối tượng được bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư của trường là chuyên gia, nhà khoa học có học vị tiến sĩ và có hợp đồng lao động với trường một năm trở lên. “Vì đối tượng này không phải công chức, thực hiện nghĩa vụ và hưởng mọi chế độ đãi ngộ do trường trả bằng nguồn thu của trường (không phải bằng ngân sách Nhà nước), do vậy việc bổ nhiệm, giao nhiệm vụ là quyền của trường”, ông Ninh nói.

Về việc bổ nhiệm GS và PGS, trường chia thành 2 nhóm. Nhóm 1 gồm giáo sư trợ lý, phó giáo sư, giáo sư, với nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu. Nhóm 2 gồm 4 chức vụ giáo sư trợ lý nghiên cứu, phó giáo sư nghiên cứu, giáo sư nghiên cứu và giáo sư nghiên cứu xuất sắc có nhiệm vụ chính là nghiên cứu.

Phong hàm GS, PGS là theo quy định của nhà nước, có tiêu chí cụ thể, rõ ràng do Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước đảm nhiệm nên trường ĐH Tôn Đức Thắng “không thể tự mình phong cho mình được.

Hiệu trưởng ĐH Nông Lâm TPHCM Nguyễn Hay

Một lãnh đạo của trường cho biết, tiêu chuẩn của ĐH Tôn Đức Thắng đưa ra đối với từng chức vụ chuyên môn không thấp hơn so với tiêu chuẩn công nhận của Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước. Theo đó, tiêu chí chung bao gồm nghiên cứu, giảng dạy và đào tạo, lãnh đạo chuyên môn, thu hút kinh phí nghiên cứu... Mỗi ứng viên sẽ có một nhóm chuyên gia gồm các giáo sư trong và ngoài nước thẩm định. Sau đó Hội đồng của trường sẽ xét duyệt và đưa ra quyết định bổ nhiệm. Hằng năm, trường sẽ đánh giá lại, nếu không đáp ứng được yêu cầu thì chức vụ này có thể bị bãi nhiệm.

“Giáo sư, phó giáo sư, giảng viên chính là chức danh nghề nghiệp như các chức danh luật sư, kiến trúc sư, bác sĩ chuyên khoa 1, 2… Việc bổ nhiệm các chức danh này nếu không phải do Hiệp hội nghề nghiệp thực hiện thì phải do cơ quan chuyên môn của nhân sự thực hiện và tự chịu trách nhiệm. Cũng theo đó, hiện nay, học vị tiến sĩ cũng đã giao cho các cơ sở giáo dục đào tạo cấp bằng thì tại sao việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp trong lĩnh vực giảng dạy lại không muốn để cơ sở tự làm”, đại diện trường ĐH Tôn Đức Thắng nói.

Chưa đúng thời điểm

Việc các trường tự phong GS, PGS là thông lệ của hầu hết các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển vì xét cho cùng, đây cũng là chức danh để làm việc mà thôi.

Hiệu trưởng ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM Võ Văn Sen

Theo ông Nguyễn Hay, Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, việc trường ĐH Tôn Đức Thắng tự bổ nhiệm GS, PGS là việc làm không thể. “Việc phong hàm GS, PGS là theo quy định của nhà nước, có tiêu chí cụ thể, rõ ràng do Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước đảm nhiệm nên trường ĐH Tôn Đức Thắng “không thể tự mình phong cho mình được”, ông Hay nói.

Ông Hay cho rằng, ở Việt Nam, chất lượng giáo dục giữa các trường công và trường tư có sự chênh lệch lớn (không giống như ở các nước phát triển) nên việc ĐH Tôn Đức Thắng tự bổ nhiệm GS, PGS thì các trường tư cũng làm được và như thế sẽ gây ra “loạn” GS, PGS. Ông Hay lấy ví dụ, ngay cả việc đào tạo Tiến sĩ ở Việt Nam, trường nào cũng đào tạo là không được, quá nhiều và quá lung tung. Việc đào tạo Tiến sĩ phải được phân tầng theo chất lượng. Cụ thể, trường ĐH nghiên cứu mới được đào tạo Tiến sĩ, trường ĐH theo hướng ứng dụng thì chỉ được đào tạo Thạc sĩ, trường theo hướng thực hành thì chỉ được đào tạo cao đẳng. Tiếp đó, trong  nhóm các trường ĐH phân tầng còn được phân theo loại 1, loại 2, loại 3…

Ông Hay khẳng định, việc tự bổ nhiệm GS, PGS của ĐH Tôn Đức Thắng là không sai pháp luật nhưng chưa đúng với Việt Nam vào thời điểm này, bởi chuẩn của Việt Nam hiện nay chưa cho phép.

Cùng quan điểm, ông Trần Lê Quan, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM cho rằng: “Việc này trên thế giới đã thực hiện, tuy nhiên, ở Việt Nam chưa có quy định nên việc làm của trường ĐH Tôn Đức Thắng là trái với quy định của Nhà nước trong việc phong hàm GS, PGS”.

Trong khi đó, ông Võ Văn Sen, hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM lại hoàn toàn ủng hộ việc làm của trường ĐH Tôn Đức Thắng và cho rằng, Việt Nam nên đi theo các nước trên thế giới. “Việc các trường tự phong GS, PGS là thông lệ của hầu hết các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển vì xét cho cùng, đây cũng là chức danh để làm việc mà thôi. Vì thế, ta nên thay đổi thông lệ này để hội nhập quốc tế cho thuận lợi”, ông Sen nói.

Cũng theo ông Sen, có thể nhiều trường đều thấy việc làm này là có lợi cho phát triển ĐH nhưng cứ chờ đợi nhau mãi nên chưa ai chịu làm và việc ĐH Tôn Đức Thắng đi đầu là đáng được hoan nghênh.

MỚI - NÓNG