Trường sư phạm phải chủ động thay đổi

TP - Nhiều ý kiến cho rằng việc đào tạo giáo viên trong các trường sư phạm và việc sử dụng các giáo viên này ở các trường phổ thông đang có độ vênh với nhau tại buổi tọa đàm “Giáo dục lối sống trong dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông (CTGDPT) tổng thể của Bộ GD&ĐT” vừa ban hành do trường Đại học Sư phạm TPHCM tổ chức ngày 23/5.

Theo TS Nguyễn Thị Bích Hồng, giảng viên khoa Tâm lý, trường Đại học Sư phạm TPHCM, định hướng CTGDPT mới được nêu trong dự thảo đề cập đến nhiều vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống nhằm giúp hình thành, phát triển phẩm chất năng lực cho học sinh… Do đó, đào tạo giáo viên cho giáo dục lối sống ở trường sư phạm cần phải chuẩn bị ngay từ bây giờ.

Trong khi ông Đỗ Văn Năng, giảng viên Khoa Lý, trường này cho biết phương pháp sư phạm của giáo viên là yếu tố quan trọng, tác động tới trẻ nên nhà trường cần tập trung giáo dục phương pháp sư phạm nhiều hơn, bố trí dung lượng, thời gian đào tạo kỹ năng này cho sinh viên sư phạm nhiều hơn. Thầy Năng cho rằng, trẻ em như trang giấy trắng, nhân cách con người được hình thành từ lúc rất nhỏ, bão hòa ở cấp THCS và THPT định khuôn hình mẫu con người xã hội. “Trong quá trình đó, ai sẽ viết lên trang giấy trắng đó, và viết như thế nào?”- ông Năng đặt câu hỏi và trả lời: “Rõ ràng, giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học là nền tảng quan trọng trong đào tạo giáo viên giáo dục lối sống tiểu học và mầm non”.

TS Dương Thị Hồng Hiếu, Trưởng phòng đào tạo trường Đại học Sư phạm TPHCM thừa nhận có độ vênh giữa việc đào tạo giáo viên trong các trường sư phạm với việc sử dụng lao động trong thực tế ở trường phổ thông. Nguyên nhân theo bà do sự kết nối giữa trường đại học và trường phổ thông chưa chặt chẽ; đào tạo theo hướng mở nhưng không áp dụng được thực tiễn, chưa đầy đủ các điều kiện thì giáo viên chưa phát huy được… Do đó, các trường sư phạm phải chủ động, đi trước đón đầu trước những thay đổi này.

Tại tọa đàm, ông Sầm Vĩnh Lộc, Khoa Giáo dục Thể chất, Trường ĐH Sư phạm cho rằng, giáo dục lối sống cho trẻ là tổng hợp các hoạt động, trong đó có chăm sóc sức khỏe. Theo thầy Lộc, hiện nay trẻ béo phì ngày càng tăng do trẻ ăn nhiều thức ăn nhanh và sử dụng nhiều thiết bị điện tử như điện thoại, ipad… Điều này cho thấy sức khỏe của thế hệ tương lai đang ở mức báo động nên giáo dục lối sống rất quan trọng ngay từ bậc mầm non. “Nên chăng, chúng ta cần nghĩ tới môn học khoa học sức khỏe trang bị cho giáo viên bậc tiểu học, mầm non trong tương lai để họ có thể ứng dụng vào thực tế, phục vụ công tác giảng dạy, chăm lo sức khỏe, lối sống tốt cho trẻ”- ông Lộc đề xuất.

MỚI - NÓNG