Trường Sa đất cũ thu về

Đoàn tàu không số tại cảng Hải Phòng những năm chiến tranh. Ảnh: tư liệu.
Đoàn tàu không số tại cảng Hải Phòng những năm chiến tranh. Ảnh: tư liệu.
TP - Giải phóng quần đảo Trường Sa năm 1975 là một chiến dịch quân sự do một lực lượng hỗn hợp đặc công nước và bộ binh cấp tiểu đoàn thiếu thực hiện. Những trận đánh chớp nhoáng diễn ra, đối phương nhanh chóng đầu hàng. Nhưng ý nghĩa của nó thật lớn lao. Thời điểm đó nó làm vẹn nghĩa “núi sông thu về một mối”.

Với hậu nhân ngày nay, sau nhiều lần biển Đông dậy sóng lại càng biết ơn những người lính năm xưa đã giúp “xây tường, dựng cổng, cài phên dậu”cho ngôi nhà Việt nơi biển xa.

Phóng viên Tiền Phong tìm gặp nhân chứng sống, đại tá Hoàng Minh Toản, nguyên đặc phái viên quân chủng Hải quân, một trong hai sĩ quan chỉ huy chiến dịch giải phóng quần đảo Trường Sa và đại tá Trần Phong, thời điểm đó là quyền Tham mưu trưởng Đoàn 125 tàu không số, là người trực tiếp dự thảo kế hoạch chở quân đổ bộ lên quần đảo Trường Sa.

Đại tá Hoàng Minh Toản chia sẻ: Không chỉ bây giờ quần đảo Trường Sa mới được coi như là cánh cổng của nước Việt. Từ thời Pháp, Nhật chiếm đóng Đông Dương, các nhà chiến lược quân sự của họ đều đánh giá cao vị trí, vai trò của quần đảo Trường Sa trong việc phòng thủ, bảo vệ từ xa cho đất liền. Mất Trường Sa như nhà mất cổng, địch vào đến cửa nhà mới biết, khi đó e là mọi việc đã muộn. Chính vì vậy, rất nhiều kẻ thù thèm muốn Trường Sa.

Trận đánh đầu tiên nhằm thu hồi đảo Song Tử Tây nằm về cực bắc quần đảo Trường Sa do thiếu tá Mai Năng chỉ huy với 120 cán bộ, chiến sĩ đặc công nước thuộc Đoàn 126 (trung đoàn) Hải quân cùng 26 bộ đội Quân khu 5 đi trên 3 tàu vận tải số hiệu 673, 674, 675 Đoàn tàu không số 125. Trang bị hỏa lực của đơn vị gồm 2 khẩu cối 81 ly, 2 khẩu 12ly7, súng chống tăng B40, B41, tiểu liên AK47, dĩ nhiên không thể thiếu vũ khí sở trường của đặc công nước là các loại thuốc nổ diệt lô cốt, đánh chìm tàu. Ngày 11/4 đoàn tàu cải trang thành tàu cá, từ Đà Nẵng thẳng tiến Song Tử Tây, vượt khoảng cách 490 hải lý (gần 900km) trên biển.

Trường Sa đất cũ thu về ảnh 1

Đại tá Hoàng Minh Toản. Ảnh: T.Đ.

Trong những năm chiến tranh, quần đảo Trường Sa nằm dưới sự quản lý của chính quyền Sài Gòn. Làm thế nào những thủy thủ tàu không số thông thạo luồng lạch trên biển để chỉ dùng la bàn có thể cặp đảo Song Tử Tây mà không bị chệch hướng, lạc đường? Chưa kể khi tàu tới vùng biển quốc tế khu vực ngang Quy Nhơn bị tàu chiến hạm đội 7 của Mỹ chặn lại, cho trực thăng quần thảo trên đầu dò xét, anh em buộc phải đổi hướng chạy về phía đảo Hải Nam (Trung Quốc) giả làm tàu cá nước này. Qua mặt được máy bay, tàu chiến Mỹ, nhưng hướng đi đã lệch đáng kể so với ban đầu. Đại tá Hoàng Minh Toản chia sẻ: “Xác định đúng đảo Song Tử Tây giữa mênh mông trùng khơi là điều rất khó khăn, chưa kể Song Tử Tây chỉ cách Song Tử Đông do Philippines chiếm giữ (trái phép) chỉ có 3km. Không cẩn thận ban đêm rất dễ đổ bộ nhầm”.

Đại tá Trần Phong cho chúng tôi xem bản đồ tác chiến trên biển của Đoàn tàu không số những năm chiến tranh. Trên đó có 5 vạch đỏ, nhiều vòng từ hẹp đến rộng, trải khắp biển Đông, mỗi đường lại có nhiều nhánh nhỏ đâm thẳng vào đất liền. “Đó là năm tuyến đường mòn trên biển mà những người lính đoàn tàu không số đã vạch ra để vận chuyển vũ khí cung cấp cho quân dân miền Nam chống Mỹ. Đó là những con đường vô hình được làm nên từ mồ hôi, nước mắt và cả máu của người lính hải quân” - đại tá Trần Phong chia sẻ thêm, thời gian đầu khi đối phương chưa phát hiện thì tàu ta đi ven bờ. Sau này tuyến đường vận chuyển trên biển bị lộ, địch tăng cường tuần tra, đánh phá thì ta phải tìm các tuyến đường khác, xa hơn, ngoài vùng biển quốc tế, thậm chí phải đi qua bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), cặp sát vùng biển Philippines, Indonesia, Malaysia rồi vòng trở lại miền Nam.

Trường Sa đất cũ thu về ảnh 2 Thượng úy, thuyền trưởng Hoàng Minh Toản (thứ hai từ phải sang, hàng đầu) cùng thủy thủ đoàn tàu pháo 134 năm 1966. Ảnh: tư liệu gia đình.

Đánh chớp nhoáng “thương hiệu” đặc công

19 giờ 30 ngày 13/4, tàu 673 tiếp cận từ phía đông đảo, bật đèn hành trình tiến vào đảo thì đối phương nổ súng. Tàu ta lập tức rút ra, liên lạc với đất liền. Đất liền điện ra cho biết vừa bắt được và giải mã tín hiệu lính đảo báo bị tấn công, xin cứu viện. Xác định được đó chính là đảo Song Tử Tây, thiếu tá Mai Năng lập tức triển khai thế bao vây. Lính trên đảo ném nhiều lựu đạn SS chống người nhái để ngăn đặc công hải quân đổ bộ. 1 giờ 15 phút ngày 14/4, bộ đội dùng 7 xuồng cao su chia làm ba mũi, lên đảotừ các hướng Tây, Nam và Đông Nam.

Đặc công nước trong chiến tranh chủ yếu đánh đột kích, bí mật, bất ngờ trên sông hoặc cửa biển. Đây là lần đầu tiên những người lính đặc công được sử dụng để đánh công đồn, trên biển xa, không có thời gian trinh sát đối phương. Anh em chỉ nắm được quân số nhưng không biết đối phương có bao nhiêu vũ khí, hầm hào, công sự, bố trí hỏa lực ra sao… nên quyết định ém quân trên đảo, chờ tới mờ sáng, tỏ mặt người mới nổ súng. Sau 30 phút giao chiến, binh lính trên đảo giương cờ trắng đầu hàng. Chúng ta bắt sống 33 sĩ quan, binh lính. Sau khi thẩm vấn chỉ huy và kiểm tra toàn đảo, bộ đội phát hiện một chi tiết thú vị. Hóa ra lính Sài Gòn ở Song Tử Tây với lính Philippines ở Song Tử Đông luôn ở tư thế hằm hè, ăn thua đủ với nhau nên toàn bộ vũ khí hạng nặng trên đảo đều bố trí hướng đông đảo Song Tử Tây. Đặc công nước bí mật đổ bộ hướng Tây và Nam đảo nên đối phương trở tay không kịp. Mặt khác, khi trời bắt đầu sáng, binh lính trên đảo khi giao tranh ở thế yếu, thua đến nơi, lại thấy cờ giải phóng nên quyết định buông súng.

Biết tin đảo Song Tử Tây thất thủ, cùng với tin thất trận từ khắp các chiến trường trên bộ, tinh thần binh lính Sài Gòn suy sụp. Mười ngày sau bộ đội xuôi nam, tấn công đảo Sơn Ca lúc 2 giờ 30 ngày 24/4, bắt sống đảo trưởng cùng toàn bộ binh lính. “Theo danh sách lính đảo thì thấy thiếu mất một người. Tôi trực tiếp thẩm vấn đảo trưởng, anh ta bảo trên đảo rất nóng nực, kể cả ban đêm. Binh lính chịu nóng không nổi thường ra biển tắm”. Không biết người lính xấu số đó chết đuối hay không, đến nay vẫn còn là nghi vấn. Lần lượt bộ đội ta giải phóng đảo Nam Yết, nơi đặt sở chỉ huy phòng thủ quần đảo Trường Sa của đối phương ngày 27/4, đảo Sinh Tồn ngày 28/4, đảo Trường Sa lớn ngày 29/4 và đi cắm mốc chủ quyền trên bãi cạn An Bang. Như vậy toàn bộ 5 đảo và một bãi cạn do quân đội Sài Gòn đóng giữ rải rác trên vùng biển rộng lớn, cách nhau tới vài trăm km đều đã được giải phóng trong vòng nửa tháng kể từ cuộc tấn công đầu tiên vào đảo Song Tử Tây. 

Nổ súng đuổi “lính lạ”

Ngay khi anh em đánh chiếm xong đảo Song Tử Tây, lập tức hạ cờ chính quyền Sài Gòn, treo cờ Mặt trận giải phóng lên cột cờ chủ quyền trên đảo. Khoảng hai ngày sau, từ đài quan sát, bộ đội phát hiện một đoàn tàu giống loại tàu đánh cá, chở đầy lính mặc quân phục màu cỏ úa, đội mũ lưỡi trai mềm, trang bị vũ khí tiến vào rồi neo đậu cách đảo khoảng vài trăm thước. Những chiếc tàu cao đằng mũi, thấp đằng lái là loại tàu Bắc Hải của Trung Quốc, bộ đội và ngư dân ta hay gọi là tàu “gà trống” vì giống hệt con gà trống bơi trên biển. “Bộ đội đánh tín hiệu yêu cầu họ dời đi nhiều lần nhưng chúng lì lợm không chạy, chúng tôi buộc phải dùng trọng liên bắn mấy loạt vào cột buồm nó mới chịu rút lui” - đại tá Hoàng Minh Toản nhớ lại. 

MỚI - NÓNG