Trưởng khoa Xét nghiệm BV Hoài Đức lĩnh 12 tháng tù

Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: B.T
Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: B.T
TP - Sau một ngày xét xử, chiều 7/3, TAND TP Hà Nội chính thức tuyên án đối với 9 bị cáo trong vụ “nhân bản” kết quả xét nghiệm, xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức.

“Sếp bảo sao thì làm vậy”

Bị cáo Vương Thị Lan (SN 1988, nhân viên Khoa Xét nghiệm), cho rằng, chủ trương làm khống phiếu xét nghiệm máu do Kỹ thuật viên trưởng Phan Thị Oanh chỉ đạo. Theo bị cáo Lan, bà Oanh là người phân công công việc hằng ngày, cũng là người trực tiếp chỉ đạo việc in khống các phiếu xét nghiệm máu. 

Trả lời câu hỏi “biết sai sao vẫn làm”, bị cáo Lan cho rằng bản thân mới được vào biên chế của bệnh viện, lại thiếu hiểu biết pháp luật. Lan cũng khai được “sếp” cho biết việc “nhân bản” phiếu xét nghiệm nhằm tăng thêm thu nhập cho nhân viên.

Nhóm các bị cáo là nhân viên Khoa Xét nghiệm đều khai nhận do Kỹ thuật viên trưởng Phan Thị Oanh chỉ đạo việc “nhân bản” phiếu xét nghiệm máu, và phần nhiều do nể nang các lãnh đạo, cũng như đồng nghiệp trong bệnh viện. Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nhung (SN 1990, kỹ thuật viên hợp đồng, Khoa Xét nghiệm) khai thêm: “Lãnh đạo khoa bảo in khống để hoàn thiện hồ sơ bệnh án nên tôi đã làm”.

Thiệt hại không chỉ là vật chất

Trong bài bào chữa, luật sư Lê Văn Thiệp (bào chữa cho bị cáo Liêm) cho rằng, cáo trạng truy tố ông Liêm phạm tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng không thỏa mãn các dấu hiệu tội phạm.

Luật sư này viện dẫn: Quy chế khám chữa bệnh của Bộ Y tế, quy định rõ trách nhiệm từng vị trí, chức danh trong bệnh viện; theo đó, trách nhiệm quản lý, thực hiện việc xét nghiệm, ký các giấy tờ liên quan đến công tác xét nghiệm thuộc về Trưởng khoa xét nghiệm. 

Bên cạnh đó, theo thông báo điều chỉnh phân công nhiệm vụ lãnh đạo bệnh viện (năm 2012), Phó Giám đốc Nguyễn Thị Nhiên là người trực tiếp chỉ đạo, theo dõi Khoa Xét nghiệm. Theo luật sư Thiệp, ông Liêm vô can trong tình huống này.

Bào chữa cho bị cáo Vương Thị Kim Thành (SN 1959, Trưởng khoa Xét nghiệm), luật sư Bùi Ngọc Chất (Đoàn luật sư Hà Nội) lập luận, nếu đem số tiền bị thiệt hại chia đều cho các nhân viên của bệnh viện, mỗi người chỉ được “nhận thêm” 60 đồng/tháng. Theo ông Chất, thiệt hại là quá nhỏ, do vậy, hình phạt cải tạo không giam giữ là “vừa phải” với bị cáo Thành (bà Thành trước đó bị đề nghị 15 đến 18 tháng tù).

Bác lại quan điểm của các luật sư, kiểm sát viên khẳng định, hành vi của các bị cáo dù số tiền thiệt hại không lớn, cũng như chưa xác định được bệnh nhân nào “có vấn đề” về sức khỏe do những sai phạm này gây ra, nhưng Trưởng khoa Xét nghiệm Vương Thị Kim Thành cùng đồng phạm đã xâm hại nghiêm trọng uy tín, đạo đức nghề nghiệp của ngành y, làm giảm lòng tin của quần chúng nhân dân đối với các y bác sỹ, do vậy cần xử lý nghiêm minh.

Hoán kết quả xét nghiệm máu của ông lão cho đứa trẻ 2 tuổi

Trả lời vị hội thẩm nhân dân về việc “có hay không chuyện lấy kết quả xét nghiệm máu của ông lão để cho đứa trẻ hơn 2 tuổi?”, bị cáo Vương Thị Kim Thành thừa nhận “có”. “Vậy, việc kết quả xét nghiệm của một người cao tuổi, nhưng lại dùng cho một đứa bé, vậy chữa bệnh có khỏi được không?” – Hội thẩm nhân dân tiếp tục “xoáy”. “Dạ, khi chữa bệnh, các bác sỹ còn căn cứ vào nhiều tiêu chí khác ạ”. “Tôi đề nghị bị cáo trả lời thẳng câu hỏi, việc dùng kết quả xét nghiệm như vậy có khỏi bệnh được không?”. Đến lúc này, bị cáo Thành mới lí nhí: “Dạ không”.

 Các mức hình phạt cụ thể

Giám đốc Nguyễn Trí Liêm bị phạt cảnh cáo; bị cáo Nguyễn Thị Nhiên bị phạt 10 tháng cải tạo không giam giữ, cả hai cùng tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Bị cáo Vương Thị Kim Thành bị phạt 12 tháng tù. Các bị cáo Nguyễn Thị Ngà, Nguyễn Thị Thu Trang, Nguyễn Thị Hồng Nhung, Nguyễn Sơn Đông cùng bị phạt 6 tháng tù cho hưởng án treo. Bị cáo Nguyễn Thị Xuyên và Vương Thị Lan cùng bị phạt 8 tháng tù cho hưởng án treo. 7 bị cáo bị tuyên phạt tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.