Trường học không còn là tháp ngà

Trường học không còn là tháp ngà
TP - Trường học không còn là tháp ngà hay thánh đường chỉ chờ người đến học. Trường học giờ đây phải bám vào thực tế cuộc sống để thay đổi và tạo ra sản phẩm tốt hơn.

> Hơn 22 triệu học sinh, sinh viên vào năm học mới
> Phó Thủ tướng gióng trống khai trường

Về lâu dài, ngành GD&ĐT phải đáp ứng nhu cầu học tập ở tất cả cấp học nhưng phải ưu tiên chất lượng. Ảnh: Hồng Vĩnh
Về lâu dài, ngành GD&ĐT phải đáp ứng nhu cầu học tập ở tất cả cấp học nhưng phải ưu tiên chất lượng. Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Tạo ra con đường tắt

Các chuyên gia giáo dục cho rằng, bước vào năm học mới 2011- 2012, ngành giáo dục tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức cũ. Ông Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội Các trường ngoài công lập (NCL), nguyên Bộ trưởng GD&ĐT, cho biết, nền giáo dục VN đang đứng trước đòi hỏi phải thay đổi toàn diện từ mầm non đến đại học (ĐH).

Về giáo dục bậc thấp, ông Quân đồng tình chủ trương tinh giản nội dung chương trình. Tuy nhiên, tinh giản thế nào, cần phải được bàn thêm và nên bớt đi một số kiến thức lý thuyết, cần tăng cường kỹ năng thực hành.

Đối với giáo dục nghề nghiệp, trong đó có trung cấp, CĐ, ĐH và sau ĐH, ông Quân cho rằng: “Những gì xã hội làm được, ngành GD&ĐT nên tạo điều kiện cho xã hội làm. Hiện nay, ngân sách nhà nước phải gánh việc đào tạo 60-70% sinh viên trường công là bất hợp lý”. Nhà nước cần tạo ra những con đường tắt để khuyến khích liên kết với nước ngoài, mạnh dạn sử dụng chương trình đào tạo tiên tiến của nước ngoài, tiếp thu công nghệ đào tạo của họ để “đi thẳng vào nền giáo dục tiên tiến của thế giới”.

Theo ông Quân, một yêu cầu bức thiết nữa là đổi mới công tác tuyển sinh. Mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay cho thấy các trường cực kỳ khan hiếm nguồn tuyển. “Có những trường cố sống cố chết để có sinh viên bằng cách thưởng tiền cho người vào học. Nghe mà buồn!”, ông Quân nói.

Không chờ người đến học

Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm UB Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, về lâu dài, ngành GD&ĐT phải đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân ở tất cả cấp học. Tuy nhiên, đây không phải yêu cầu học tập nói chung mà phải là “học tập có chất lượng”.

Trong hai vấn đề kể trên, phải ưu tiên chất lượng sau đó tạo mọi điều kiện để mở rộng quy mô, đáp ứng yêu cầu học tập của nhân dân theo nhu cầu đa dạng.

Nhấn mạnh việc sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước cho giáo dục hiệu quả hơn để có chất lượng tốt hơn, ông Thi phân tích: Thay vì rót tiền cho các trường công lập theo kiểu bình quân, dàn trải, bất kể chất lượng như thế nào, cần tạo động lực cho các trường, để các trường cả công lập, ngoài công lập cạnh tranh bình đẳng.

Đầu tư dàn trải như hiện nay khiến tất cả các trường dường như được hưởng “bầu sữa” ngân sách và khuyến khích các trường tạo ra chất lượng yếu. Do đó, phải đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục theo hướng đảm bảo chất lượng.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó GĐ ĐHQG TP HCM nhấn mạnh, nhà trường cần bám sát thực tế xã hội để để đào tạo sát thực với nhu cầu hơn. “Nếu ngày xưa, trường ĐH như một tháp ngà, như thánh đường, chỉ chờ người ta đến học, thì ngày nay các trường ĐH phải đến với doanh nghiệp để tìm hiểu rõ nhu cầu của họ.

Ba thành phần nhà trường, doanh nghiệp và sinh viên đều có trách nhiệm liên kết để cho ra đời những sản phẩm tốt, có chất lượng và đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn”, ông Nghĩa nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG