Ngành GD&ĐT: Nhiều hoạt động cụ thể
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, với trên 22 triệu học sinh, sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường, ngành giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc thông tin, giáo dục, truyền thông về nước sạch và vệ sinh môi trường.
Ngày 31/3/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 366 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012-2015, trong đó đề ra mục tiêu cụ thể: “Đến cuối năm 2015, 100% các trường học mầm non và phổ thông, trạm y tế xã ở nông thôn đủ nước sạch và đủ nhà tiêu hợp vệ sinh”. Thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ, sau khi quyết định của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, Bộ GD&ĐT chủ động đưa nội dung truyền thông về nước sạch và vệ sinh môi trường vào Chỉ thị năm học và chỉ đạo toàn ngành theo từng năm học.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng phát biểu tại buổi lễ
Bộ đã ban hành Chỉ thị 40 về việc phát động phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong các trường phổ thông giai đoạn 2008-2013 và chú trọng nội dung “Xây dựng trường, lớp xanh, sạch, đẹp và có đủ nhà vệ sinh và giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, không ảnh hưởng xấu đến lớp học và cảnh quan môi trường”. Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về nước sạch – vệ sinh môi trường và Ngày Môi trường thế giới hàng năm (5/6); ban hành mẫu nhà vệ sinh cho các cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông; tổ chức biên soạn sổ tay hướng dẫn và phối hợp với các ban ngành địa phương tổ chức “Ngày hội vệ sinh trường học”; tổ chức nhiều lớp tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục các cấp về công tác truyền thông, giáo dục nước sạch, vệ sinh cá nhân. Cũng theo Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục lồng ghép giáo dục vệ sinh cá nhân, nước sạch và vệ sinh môi trường vào các tiết học chính khóa và các hoạt động ngoại khóa; xây dựng các tiêu chí đánh giá.
Phát động phong trào thanh niên làm giàu từ biển
Đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Bí thư thường trực Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khẳng định: Năm 2014 được Liên hợp quốc lựa chọn là Năm quốc tế về các tiểu quốc đảo đang phát triển. Với chủ đề “Hãy hành động để ngăn nước biển dâng”, Ngày môi trường thế giới năm nay càng có ý nghĩa ở nước ta, với chiều dài 3.260 km đường bờ biển, cùng với khoảng 50% dân số sống ở các vùng đất thấp, Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia bị tổn thương và chịu nhiều tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Bí thư thường trực Trung ương đoàn Nguyễn Mạnh Dũng
Ý thức được tầm quan trọng của bảo vệ môi trường và tác hại của biến đổi khí hậu, trong những năm qua, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tích cực cùng với các cấp, các ngành tuyên truyền sâu rộng trong đoàn viên, thanh niên và nhân dân, tổ chức nhiều hoạt động bảo vệ môi trường như tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng; tổ chức các đội hình thanh niên tình nguyện, đội vệ sinh môi trường làm sạch bãi biển, thu gom xử lý chất thải, tổ chức Ngày thứ Bảy tình nguyện, Ngày Chủ nhật xanh...
Xử lý nghiêm vi phạm về môi trường
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Văn Huỳnh cho hay, tỉnh Kiên Giang đang đẩy mạnh các chủ trương xã hội hóa các chương trình, dự án hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường; liên kết với các tỉnh trong khu vực để bảo vệ môi trường sinh thái; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý kiên quyết các hành vi gây ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Ngay sau buổi lễ mít tinh, hàng trăm đoàn viên, thanh niên, sinh viên của trường Cao đẳng Y tế Kiên Giang và nhiều trường cao đẳng, trung học trên địa bàn đã tham gia các hoạt động hưởng ứng cụ thể, thiết thực như đạp xe tuyên truyền về môi trường; tổ chức văn nghệ theo chủ đề môi trường, biển đảo; diễn kịch, tiểu phẩm về môi trường...