Dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp và đang tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Trước vấn đề này, trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia: “Chính sách vượt qua tác động của COVID-19 để phục hồi và phát triển kinh tế”.
Mục tiêu của Hội thảo là đánh giá tác động của COVID-19 đến nền kinh tế cùng các chính sách thuộc gói hỗ trợ lần 1, từ đó đưa ra các khuyến nghị cho gói hỗ trợ lần 2 nhằm hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời chuẩn bị những điều kiện cơ bản để phục hồi sau đại dịch.
Theo PGS.TS. Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân mặc dù Chính phủ đã có những giải pháp chính sách rất kịp thời trong gói hỗ trợ lần 1 nhằm hỗ trợ và giải cứu một số khu vực kinh tế và đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất; nhưng diễn biến phức tạp trở lại của đại dịch tại nhiều địa phương trên cả nước đang và sẽ tác động toàn diện và nặng nề hơn đến nền kinh tế, đòi hỏi Chính phủ phải có những giải pháp quyết liệt hơn để tăng cường sức đề kháng (khả năng chịu đựng) của nền kinh tế, chuẩn bị đủ năng lực ứng phó khi dịch bệnh kéo dài; từ đó tăng cường tiềm lực để phục hồi kinh tế nhanh chóng ngay khi dịch bệnh được khống chế, không để nền kinh tế rơi vào suy thoái.
PGS. Phạm Hồng Chương hi vọng thông qua hội thảo, những kiến nghị sẽ được chắt lọc để gửi đến Quốc hội và Chính phủ về quan điểm, định hướng chính sách và giải pháp để thực thi hiệu quả tiếp tục gói hỗ trợ lần 1 và các khuyến nghị cho gói hỗ trợ lần thứ 2 nhằm mục tiêu vượt qua khó khăn, duy trì phát triển kinh tế và chuẩn bị phục hồi sau đại dịch.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học khuyến nghị việc hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 cần tập trung hơn vào các giải pháp cụ thể như: nới lỏng các điều kiện tín dụng, miễn và giảm lãi vay, miễn giảm thuế, phí, giảm bảo hiểm xã hội hay giảm các chi phí hạ tầng. Cần phân loại, đánh giá, lựa chọn các doanh nghiệp để hỗ trợ. Chú trọng các doanh nghiệp có hệ thống quản trị tốt để vượt lên sau dịch. Các gói hỗ trợ cần rõ ràng và minh bạch về đối tượng được hưởng chính sách, giảm bớt thủ tục phiền hà để doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn.