Trường chuyên biệt thiếu cơ sở, hụt giáo viên

TP - Vào năm học mới, nhiều trường chuyên biệt trên địa bàn Đà Nẵng lo thiếu cơ sở vật chất, giáo viên, quá tải học sinh…

Đà Nẵng hiện chỉ có 3 cơ sở giáo dục chuyên biệt (Trường Phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, Trường chuyên biệt Tương Lai và Trường chuyên biệt tư thục Thành Tâm).

Theo cô Trần Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường chuyên biệt Tương Lai (Hải Châu), năm nào cũng thế, nhu cầu gửi trẻ khuyết tật rất lớn nhưng nhà trường thiếu cơ sở phòng ốc, giáo viên.

Trong số 180 học sinh năm học 2014-2015, trường có 30 học sinh ngoài chỉ tiêu. Tuy nhiên, trường không thể từ chối. Trường tận dụng một số phòng chức năng để đáp ứng nhu cầu học.

Trường chuyên biệt thiếu cơ sở, hụt giáo viên ảnh 1

Nhiều trường chuyên biệt trên địa bàn Đà Nẵng đang thiếu giáo viên trước thềm năm học mới. Ảnh: Nguyễn Huy

Cô Đỗ Thị Đỗ Quyên, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (quận Liên Chiểu) cho hay: Năm nay, nhờ sự trợ giúp của các tổ chức phi chính phủ, nhà trường giảm nỗi lo cơ sở vật chất, không còn hiếm phòng học như những năm trước.

Tuy nhiên, với 180 em, trường thiếu đến 5 giáo viên cần bổ sung gấp trước thềm năm học. Nhà trường đã làm tờ trình lên Sở GD&ĐT nhưng chưa nhận kế hoạch bố trí cụ thể.

Theo lãnh đạo các trường chuyên biệt, tình trạng thiếu giáo viên, cơ sở vật chất ảnh hưởng lớn đến chất lượng, công tác dạy học và chăm lo giáo dục trẻ khuyết tật. Việc tuyển dụng giáo viên vào các trường chuyên biệt cũng gặp khó khăn do thiếu nguồn tuyển. Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng là đơn vị duy nhất trên địa bàn mở mã ngành giáo dục đặc biệt nhưng gần 5 năm nay đã đóng cửa vì không thể tuyển sinh.

Theo cô Trương Thị Hằng Nga, giáo viên Trường chuyên biệt Tương Lai, đặc thù của ngành khiến giáo viên các trường chuyên biệt không có nhiều hứng thú với công tác giảng dạy, đặc biệt là các bạn trẻ.

Theo lãnh đạo các trường chuyên biệt, tình trạng thiếu giáo viên, cơ sở vật chất ảnh hưởng lớn đến chất lượng, công tác dạy học và chăm lo giáo dục trẻ khuyết tật.

Để dạy học sinh chuyên biệt, đòi hỏi giáo viên phải tâm huyết, linh hoạt, kỹ năng tốt, nhìn chung “vất vả” hơn nhiều so với giáo viên dạy học cho học sinh bình thường. Chỉ một thay đổi nhỏ trong hành vi nhận thức của trẻ khuyết tật cũng là kỳ công lớn của đội ngũ giáo viên trường chuyên biệt.

Cô Bích Thủy đánh giá: Giáo viên trường chuyên biệt cần có kỹ năng sư phạm và phương pháp dạy học khoa học. Ngoài yêu cầu tinh thần trách nhiệm cao, còn phải có trình độ chuyên môn vững vàng, yêu nghề, mến trẻ và có nghị lực vượt qua chính bản thân, kiên trì, nhẫn nại trong giáo dục trẻ… Trường liên kết với nhiều đơn vị chuyên môn trong lĩnh vực tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn sâu cho đội ngũ giáo viên của trường để nâng cao chất lượng dạy học.

Tuy nhiên, cô Thủy cho biết: Quy định định biên giáo viên/lớp cho các trường chuyên biệt đang là rào cản lớn trong việc tuyển dụng giáo viên. Trường hiện có 30 giáo viên nhưng chỉ có 19 giáo viên diện biên chế, còn lại diện hợp đồng lao động, do cơ chế tuyển dụng của địa phương không tuyển biên chế cho giáo viên mầm non trong trường chuyên biệt. Bản thân người giáo viên rất vất vả để dạy học sinh nhưng phải kiêm nhiệm, phụ trách thêm các công việc kiêm nhiệm khác.

Th.s Bùi Văn Vân, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục (Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng) cũng chung nhận định: Thực tế hiện nay cho thấy việc thiếu đội ngũ giáo viên các ngành Giáo dục chuyên biệt, Tâm lý giáo dục… là vấn đề “nóng”, trăn trở. Nhu cầu tuyển dụng giáo viên những ngành này lớn nhưng lại không có người đăng ký vào học.

Nguyên nhân, chưa có nhận thức đầy đủ về ngành nghề của các bậc cha mẹ và học sinh phổ thông. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách về lĩnh vực này còn yếu, công tác quản lý, giáo dục chuyên biệt chưa được quan tâm đúng mức từ trung ương đến địa phương các chuyên ngành này.

MỚI - NÓNG