Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai: 'Không đổi mới sẽ cản trở quá trình phát triển'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 23/6, tại TPHCM, Ban Tổ chức Trung ương phối hợp Hội đồng Lý luận Trung ương và Thành ủy TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị - những vấn đề lý luận và thực tiễn” tại khu vực miền Nam.

Chủ trì Hội thảo có các Ủy viên Bộ Chính trị: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên và Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương.

Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai: 'Không đổi mới sẽ cản trở quá trình phát triển' ảnh 1

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai phát biểu

Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới là một nội dung rất quan trọng trong 10 nhiệm vụ xây dựng Đảng mà Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Việc này nhằm đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo đảm đổi mới chính trị, phù hợp với đổi mới kinh tế và tiến trình xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; phát huy dân chủ trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo trong điều kiện bản thân Đảng và hệ thống chính trị đang tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động, khắc phục tình trạng suy thoái, tham nhũng, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cũng nhấn mạnh, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong hệ thống chính trị là nhiệm vụ hết sức quan trọng đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định nhằm đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh đồng bộ công cuộc đổi mới đất nước. TPHCM đã tổng kết và ban hành kết luận sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa X.

Theo Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên, 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa X trên địa bàn, TPHCM đã chú trọng điều chỉnh các nội dung, xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển.

TPHCM cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới tăng trưởng, gắn với xây dựng chính quyền địa phương mang tính đặc thù, xây dựng nền hành chính dân chủ, công khai minh bạch, phục vụ nhân dân, tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng; tăng cường kỷ cương, kỷ luật đảng viên, nhất là cán bộ, người đứng đầu các cấp, nâng cao tính tiên phong, gương mẫu, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, đảng viên…

Phát biểu kết luận Hội thảo, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh: Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng được gắn liền từ khi Đảng được thành lập; phải có phương thức hiệu quả nhất để vận hành, mới làm nên thành công của cách mạng. Thành tựu của hơn 35 năm đổi mới của nước ta nhìn lại chúng ta thấy phương thức lãnh đạo của Đảng đóng góp rất quan trọng vào thành tựu này.

Hơn 35 năm đổi mới, đã bổ sung được nhiều vấn đề liên quan đến lý luận và thực tiễn. Qua đó, góp phần nâng cao được năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền. Quan trọng hơn hết đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng với sự phát triển của đất nước".

Theo bà Trương Thị Mai, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với hệ thống chính trị là quá trình tiếp tục hoàn thiện, đổi mới, đưa đường lối, chủ trương của Đảng vào cuộc sống, thông qua thể chế, tuyên truyền, vận động, thông qua thiết chế tổ chức bộ máy quản lý, thông qua kiểm tra, giám sát. Qua đó, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng thông qua cơ chế: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.

“Mỗi một giai đoạn cách mạng có một yêu cầu khác. Vì vậy, quá trình đổi mới là quá trình liên tục, phù hợp với yêu cầu từng giai đoạn của cách mạng. Không đổi mới sẽ cản trở quá trình phát triển của cách mạng”- bà Trương Thị Mai nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG