Ông Phạm Minh Chính- Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đến dự và chỉ đạo Đại hội.
Trình bày Báo cáo Chính trị tại Đại hội, ông Lâm Văn Mẫn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Sóc Trăng cho biết: Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã tập trung thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Trong 24 chỉ tiêu chủ yếu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra, 18 chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt, có 2 chỉ tiêu cơ bản đạt Nghị quyết.
Kinh tế của tỉnh đạt mức tăng trưởng khá. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2020 là 6,15%/năm; GRDP bình quân đầu người năm 2020 là 2.110 USD. Sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch có bước phát triển theo hướng khai thác tốt hơn tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật. Năng suất, sản lượng lúa vượt chỉ tiêu đề ra; trong đó, sản lượng lúa đặc sản chiếm 52% tổng sản lượng, tăng 16,3% so năm 2015, vượt 9% chỉ tiêu nghị quyết; lúa ST24 được vinh danh trong “top 3 gạo ngon nhất thế giới”, giải Nhất “Gạo ngon thương hiệu Việt” tại Festival Lúa gạo Việt Nam lần 3; gạo ST25 đạt giải Nhất cuộc thi “Gạo ngon thế giới” 2019.
Xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án chuyển đổi sản xuất; một số mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với xuất khẩu bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được tập trung chỉ đạo, đến nay đã có 99 sản phẩm được xếp các hạng, vượt 282% chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Chăn nuôi phát triển theo hướng chuyển từ chăn nuôi nhỏ, lẻ sang chăn nuôi tập trung, góp phần nâng cao tỷ trọng ngành Chăn nuôi trong khu vực I từ 11,5% năm 2015 lên 15,9% năm 2019.
Phong trào xây dựng nông thôn mới được triển khai mạnh mẽ và đạt kết quả tích cực. Trong nhiệm kỳ, tổng nguồn vốn thực hiện xây dựng nông thôn mới là 7/707 tỉ đồng; trong đó vốn ngân sách 760 tỉ đồng, vốn lồng ghép 2.893 tỉ đồng, vốn tín dụng 1.043 tỉ đồng, vốn doanh nghiệp đầu tư 513 tỉ đồng, nhân dân đóng góp 602 tỉ đồng.
Đến nay, huyện Mỹ Xuyên đạt chuẩn nông thôn mới và thị xã Ngã Năm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 50 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt tỷ lệ 62,5% (chỉ tiêu nghị quyết trên 50% tổng số xã).
Tập trung phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế của tỉnh như: Chế biến nông sản, thuỷ sản xuất khẩu, sản xuất hàng tiêu dùng, may mặc, năng lượng,... Tỉnh có sự chủ động, tích cực trong công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là COVID-19, không để xảy ra ca mắc COVID-19 trên địa bàn; qua đó, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp phát triển. Sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thương mại, dịch vụ tiếp tục có tăng trưởng. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 là 40.000 tỷ đồng, tăng trên 1,9 lần so với năm 2015, tăng trưởng bình quân đạt 13,2%/năm. Kim ngạch xuất khẩu năm 2020 ước thực hiện 900 triệu USD, đạt 100% chỉ tiêu nghị quyết, tốc độ tăng trưởng bình quân 11,2%/năm.
Tỉnh triển khai nhiều giải pháp thu hút, ưu đãi đầu tư; qua đó, tình hình thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc, nhiều nhà đầu tư lớn, tiềm năng đến tìm kiếm cơ hội đầu tư tại tỉnh. Nhiều công trình, dự án trọng điểm đã và đang được triển khai đầu tư, góp phần tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tổng thu ngân sách giai đoạn 2015-2020 ước đạt 20.014 tỉ đồng, tgrong đó thu nội địa là 18.722 tỉ đồng. Tổng chi ngân sách địa phương là 54.269 tỉ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển là 15.298 tỉ đồng, chi thường xuyên là 38.965 tỉ đồng.
Công tác giảm nghèo đạt kết quả tích cực; bình quân giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 3%/năm; trong đó, giảm tỷ lệ hộ nghèo Khmer trên 4%/năm. Ước đến cuối năm 2020, toàn tỉnh còn 9.282 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,87%; trong đó, có 5.600 hộ nghèo Khmer, chiếm tỷ lệ 5,55%.
Trong nhiệm kỳ 2020-2025, mục tiêu tổng quát của Sóc Trăng là: “Xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; đưa tỉnh Sóc Trăng phát triển nhanh, bền vững. Phấn đấu đến năm 2030, thu nhập bình quân đầu người bằng bình quân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”.
Đồng thời, Đại hội cũng đề ra 23 chỉ tiêu cụ thể, trong đó tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá so sánh năm 2010 bình quân 5 năm (2021-2025) đạt 8%; GRDP bình quân đầu người đến cuối nhiệm kỳ đạt 75 triệu đồng/người/năm trở lên; sản lượng lúa đặc sản, chất lượng cao đến cuối nhiệm kỳ chiếm trên 80% sản lượng lúa toàn tỉnh; sản lượng thủy, hải sản đạt 417.000 tấn trở lên; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất đạt trên 250 triệu đồng/ha; cuối nhiệm kỳ có 72 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; có 6 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 1,2 tỉ USD; tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2%-3%/năm, trong đó giảm tỉ lệ hộ Khmer nghèo 3%-4%/năm.
Đại hội cũng đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; 5 nhiệm vụ trọng tâm; 3 đột phá là đẩy mạnh phát triển toàn diện nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển dịch cơ cấu lao động; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, tạo sự chuyển biến rõ nét trong cải thiện môi trường đầu tư, nang cao chỉ số cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thú đẩy khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp; Tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội….