Trưởng bản 8X học đại học

Trưởng bản dạy học
Trưởng bản dạy học
TP - Mới 28 tuổi, Hồ Y May đã 4 năm làm trưởng bản Tà Đủ (xã Tân Hợp, Hướng Hóa, Quảng Trị). Anh cũng là người Vân Kiều đầu tiên học đại học.
Trưởng bản dạy học
Trưởng bản dạy học . Ảnh: N.H

Vừa kết thúc kỳ thi học kỳ I năm 3, lớp KH7CT49, ĐH Hành chính Quốc gia (cơ sở tại Đông Hà, Quảng Trị), Trưởng bản Y May tranh thủ về làng, vừa giải quyết công việc cho bà con, vừa nghiên cứu tài liệu và mở các lớp tại gia hướng dẫn trẻ bản học bài. “Có Y May chỉ dạy, cái chữ cũng dễ đọc, dễ viết hơn. Nhiều bạn học tốt hơn”, Hồ Văn Sinh, 10 tuổi, học sinh trường Tiểu học Tân Hợp, nói.

Năm 2007, lúc 25 tuổi, Hồ Y May được dân bản tín nhiệm bầu làm trưởng bản. Sau ít tháng nhậm chức, Y May nhận thấy nếu không nâng cao trình độ sẽ khó quản việc bản, việc nước nên quyết tâm đi học tiếp. Sau hơn nửa năm ôn luyện các môn thi khối C, Y May thi đỗ vào ĐH Hành chính Quốc gia.

Đây không phải lần đầu Y May ước mơ vào đại học. Năm 2002, khi vừa tốt nghiệp cấp 3 Y May đăng ký thi ĐH tận TP.HCM nhưng không đủ điểm. Ở nhà lấy vợ, làm nương rẫy cùng bà con dân bản, nhưng Y May vẫn ấp ủ ước mơ đại học.

Ba năm sau, Y May đăng ký hệ cử tuyển ngành Bác sĩ đa khoa tại một trường đại học ở Huế. Tuy nhiên, mới học hơn một năm, Y May cùng các sinh viên cử tuyển bất ngờ nhận được thông báo về việc phải nghỉ học giữa chừng...

Cả bản Tà Đủ xôn xao trước tin trưởng bản đỗ ĐH Hành chính Quốc gia. Ai cũng khâm phục, tự hào vì dân tộc Vân Kiều lần đầu có người vào ĐH.

Trưởng bản luôn gần dân
Trưởng bản luôn gần dân.

Bản Tà Đủ nằm cách biệt với thị trấn Khe Sanh (huyện Hướng Hóa) với gần 30 hộ dân, nhưng gần nửa là hộ nghèo, dân trí thấp, tình trạng sinh con thứ ba, tập tục canh tác còn lạc hậu... nên công việc của trưởng bản khá tất bật.

“Học ở dưới xuôi, cái gì cũng đắt, tiền ăn, tiền trọ mỗi tháng lên tới hơn 2 triệu đồng. Trong khi mình đi miết, cái nương cái rẫy không tốt được. Mọi việc nhờ một tay vợ lo hết. Có khi túng bấn quá phải bán gấp gà lợn, khoai sắn để lấy tiền đóng học phí. Khó khăn nhưng phải cố gắng học. Mình học trước, dân bản mới theo”, Hồ Y May nói.

“Muốn làm tốt, mình phải sâu sát với đời sống người dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng. Mình đang học thêm lớp tập huấn về kỹ thuật trồng cây lâu năm, ngắn hạn để về phổ biến cho bà con, nhằm tạo hiệu quả kinh tế cao”, Y May cho biết.

Ngoài những tuần học chính khóa, Y May lại tranh thủ ngược xe hơn 70 km để về bản giải quyết công việc. May kể: Nhớ nhất là lúc giải tỏa bản Tà Đủ để thực hiện dự án nhà máy thủy điện cách đây hơn năm. Dân mình phải chờ bằng được trưởng bản về để đề xuất kiến nghị, nguyện vọng. Những lúc đó, mình càng phải cố gắng để đáp ứng niềm tin tưởng của người dân.

Già làng Hồ Ông Hồi nói: “Từ ngày có trưởng bản trẻ, mọi việc tốt hơn vì Y May sáng tạo, năng động, dám nghĩ dám làm. Y May cũng là gương sáng trong học hành của người dân. Có chữ, làm việc tốt hơn”.
Theo ông Võ Viết Sinh, Chủ tịch UBND xã Tân Hợp, hai nhiệm kỳ vừa qua, dù bận học nhưng Y May vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đời sống dân bản bước đầu có sự chuyển biến.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.