Trước nhiều bất ổn và thách thức, ASEAN thống nhất nhiệm vụ ưu tiên

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 3/2, tại Trụ sở Ban Thư ký ASEAN ở Thủ đô Jakarta, Indonesia, đã diễn ra Hội nghị Hội đồng điều phối ASEAN lần thứ 32 (ACC).
Trước nhiều bất ổn và thách thức, ASEAN thống nhất nhiệm vụ ưu tiên ảnh 1

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dự ACC. (Ảnh: Mofa)

Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và tân Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn; Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác Timor Leste Adaljiza Albertina Xavier Reis Magno lần đầu tiên được mời tham dự cuộc họp với tư cách Quan sát viên. Nhân dịp này, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN đã đến chào Tổng thống Indonesia Joko Widodo tại cung điện Istana Merdeka.

Chia sẻ về các ưu tiên của ASEAN trong năm 2023, Bộ trưởng Ngoại giao nước chủ tịch Indonesia Retno Matsudi nhấn mạnh trong bối cảnh ASEAN đối mặt với nhiều bất ổn và thách thức, cả bên trong và bên ngoài, điều quan trọng là cần duy trì đoàn kết, vai trò trung tâm và sức sống của ASEAN; khẳng định vai trò của ASEAN là nhân tố bảo đảm hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực.

Trên tinh thần chủ đề “Một ASEAN tầm vóc: tâm điểm của tăng trưởng”, Indonesia sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và bền vững ở khu vực, duy trì ASEAN là động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nâng cao khả năng ứng phó và tự cường của ASEAN trước các biến động, chú trọng an ninh năng lượng, an ninh lương thực, tự cường y tế và ổn định tài chính-kinh tế và xử lý các vấn đề xuyên biên giới, tăng cường hiệu quả hoạt động của các cơ chế ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác, củng cố lập trường, vai trò và trách nhiệm của ASEAN trong các vấn đề khu vực, toàn cầu. Các bộ trưởng bày tỏ ủng hộ và cam kết hợp tác chặt chẽ với Chủ tịch Indonesia hiện thực hóa các ưu tiên đề ra.

Trước nhiều bất ổn và thách thức, ASEAN thống nhất nhiệm vụ ưu tiên ảnh 2

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chào Tổng thống Indonesia Joko Widodo

Các bộ trưởng nhấn mạnh cần nâng cao hiệu quả hoạt động của ASEAN, nhất trí giao các cơ quan liên quan nghiên cứu các biện pháp hỗ trợ quá trình này. Các nước nhất trí trước mắt sẽ xem xét một số nội dung như tăng cường vai trò, chức năng của Ủy ban các Đại diện Thường trực tại ASEAN (CPR), Ban Thư ký ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN; nâng cao hiệu quả điều phối liên ngành, liên trụ cột và đề xuất giải pháp huy động nguồn lực cho các hoạt động của ASEAN.

Thực hiện chỉ đạo của các lãnh đạo tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40 và 41 vừa qua, các Bộ trưởng Ngoại giao đã trao đổi về thể thức tham gia của Timor Leste tại các hội nghị của ASEAN và lộ trình kết nạp nước này làm thành viên của ASEAN.

Việt Nam tham gia tích cực

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng hợp tác với Indonesia hoàn thành tốt các trọng trách Chủ tịch ASEAN 2023.

Bộ trưởng bày tỏ tin tưởng với các đề xuất của Chủ tịch, đặc biệt về phục hồi, nâng cao năng lực hệ thống y tế và khả năng sẵn sàng ứng phó của ASEAN trước các nguy cơ dịch bệnh trong tương lai; cam kết, Việt Nam sẽ tham gia và đóng góp tích cực, trách nhiệm vào quá trình thảo luận các biện pháp nâng cao năng lực thể chế của ASEAN, nhấn mạnh đây là yếu tố quan trọng để nâng cao tính tự cường và thích ứng của ASEAN trước các biến động phức tạp và khó lường ở khu vực và quốc tế.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng thông báo một số sáng kiến của Việt Nam trong 2023, trong đó có tổ chức các hoạt động xúc tiến phục hồi bao trùm trong khu vực, chuyển đổi năng lượng và chống biến đổi khí hậu; khẳng định, là một trong ba nước đăng cai Trung tâm ASEAN về ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi, Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các nước đưa Trung tâm vào hoạt động.

MỚI - NÓNG