> Hoàn lưu bão gây mưa to nhiều nơi
Thu dọn cây đổ do ảnh hưởng bão tại TP.HCM. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN. |
Theo thống kê sơ bộ, gió lốc đã làm nhiều cây xanh trên các tuyến đường Nguyễn Du, Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Văn Thủ (quận 1), Nguyễn Trãi (quận 5), Trương Định (quận 3) bị bong gốc, gẫy đổ ra mặt đường. Nhiều cây xanh trong các công viên 30-4, Tao Đàn cũng bị ngã đổ…
Đặc biệt, trên đường Nguyễn Văn Linh, đoạn gần giao lộ Phạm Hùng quận 7, một người đi xe máy bị thương nặng phải đưa đi cấp cứu do bị cây đổ vào người.
Tại tuyến đường Lê Duẩn, gió lớn quật ngã hàng chục cây xanh hai bên đường, cây cối nằm ngổn ngang.
Cơn mưa cũng làm nhiều giàn giáo công trình xây dựng như giàn giáo xây dựng tại số 11 Thái Văn Lung (quận 1); giàn giáo xây dựng trên đường Võ Văn Ngân (quận Thủ Đức), khu căn hộ Giai Việt trên đường Tạ Quang Bửu, quận 8 ngã đổ vào đường dây điện hạ thế, lực lượng cảnh sát giao thông, dân quân đã phải phong tỏa tuyến đường này trong nhiều giờ để đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông.
Trung tâm Điều hành chống ngập nước Thành phố Hồ Chí Minh cho biết mưa lớn cũng đã gây ngập nhiều điểm ở đường Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Thị (quận 7), Hòa Bình, Âu Cơ (Tân Phú), Bàu Cát, Đồng Đen (Tân Bình), Tỉnh lộ 43 (Thủ Đức), Đỗ Xuân Hợp (quận 9), Nguyễn Văn Quá (quận 12).
Riêng đường Hòa Bình, Âu Cơ (Tân Phú), Bàu Cát, Đồng Đen (Tân Bình) ngập do ảnh hưởng của dự án nâng cấp đô thị, chặn dòng thi công kênh Tân Hóa.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, chiều tối 1-4, nhiều quận, huyện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã bị mất điện trên diện rộng nhiều giờ. Đến 22 giờ, công nhân điện lực vẫn đang tiếp tục khắc phục các sự cố về điện tại khu vực quận 1, 3, Nhà Bè…
Riêng tại huyện Cần Giờ, theo báo cáo nhanh, đến 19 giờ ngày 1-4 có 4 căn nhà bị sập, 16 căn nhà bị tốc mái, 11 chiếc ghe bị chìm và một tàu bị trôi.
Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Theo chỉ đạo của lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, tuy bão đã đi qua, nhưng để đảm bảo an toàn tuyệt đối, hơn 2.000 người dân thuộc các xã của huyện Cần Giờ phải dời và đang tạm trú tại các điểm nhà văn hóa, trường học tại thị trấn Cần Thạnh vẫn tiếp tục phải ở lại khu vực tạm trú, không được phép tự ý về nhà khi chưa có thông báo của Ủy ban Nhân dân thành phố.
Ngay sau khi lượng mưa và gió suy giảm, ông Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cùng với Ban chi huy Phòng chống lụt bão vả Tìm kiếm cứu nạn Thành phố Hồ Chí Minh cũng lãnh đạo huyện Cần Giờ đã đi kiểm tra thực tế và chỉ đạo công tác khắc phục thiệt hại.
Tại bến phà Bình Khánh nối liền giữa huyện Nhà Bè và Cần Giờ, đến 21 giờ ngày 1-4, sau khi kiểm tra mọi điều kiện an toàn, nhất là thời tiết đã ổn định, ông Nguyễn Văn Đua, Phó bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh mới quyết định cho bến phà hoạt động trở lại để giải tỏa hàng trăm ôtô và người dân có nhu cầu qua lại ở hai đầu bến phà.
Theo Hoàng Anh Tuấn
TTXVN