Trung tâm ngoại ngữ 'lao đao' thời COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Dịch kéo dài, trung tâm ngoại ngữ không có học viên đành phải đóng cửa và treo biển cho thuê mặt bằng. Một số khác duy trì hoạt động giảng dạy bằng hình thức trực tuyến và đưa ra chương trình khuyến mãi thu hút học viên.

Đóng cửa tạm thời, giải thể… vì dịch

Trước diễn biến phức tạp không ngừng của dịch bệnh, không khó để bắt gặp cảnh các trung tâm ngoại ngữ đóng cửa, treo biển sang nhượng hoặc cho thuê lại làm văn phòng, cửa hàng dọc các tuyến phố ở Hà Nội. Thậm chí, có một số trung tâm nhỏ đã giải thể và không thể kiên trì đợi hết dịch “gượng lại”.

Chia sẻ với Tiền Phong, bạn Lê Huy Bình (sinh năm 1995, từng quản lý trung tâm tiếng Anh giao tiếp iYolo, Hồ Tùng Mậu, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Trung tâm thành lập từ năm 2015 nhưng khi dịch bệnh bùng phát mạnh vào quý 2 năm 2019 lại là thời điểm đông học viên đăng ký học nhất. Khi đó chưa có vacxin và biện pháp duy nhất là cách ly xã hội nên các phòng học phải đóng cửa.

Các trường học sau đó cũng cho sinh viên nghỉ học và chuyển sang học online nên trung tâm càng khó tìm kiếm khách hàng. Từ đó khiến trung tâm không đủ nguồn lực để nghiên cứu, chuyển đổi mô hình học online. Chi phí trả cho nhân viên, phòng học và cơ sở vật chất vẫn không đổi nên trung tâm phải đóng cửa từ đầu năm 2020”.

Trung tâm ngoại ngữ 'lao đao' thời COVID-19 ảnh 1

Lớp học ngoại ngữ online. Ảnh minh họa: Hà Vũ

Đẩy mạnh các gói ưu đãi để thu hút học viên

Theo tìm hiểu của PV, để đáp ứng nhu cầu và duy trì việc dạy, học được thông suốt, hầu hết các trung tâm tiếng Anh có uy tín tại Hà Nội đều tìm cách phát triển hệ thống học trực tuyến của riêng mình như đẩy mạnh truyền thông các gói ưu đãi đến học viên.

Không những vậy, khi các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS, TOEFL bắt đầu được sử dụng làm tiêu chí kết hợp để tuyển thẳng đại học từ 2017 và đến nay, nó đang là sự lựa chọn của nhiều bạn học sinh trong bối cảnh dịch bệnh. Do đó, các trung tâm ngoại ngữ uy tín vẫn sẽ duy trì và thu hút được học viên.

Anh Hà Vũ (giám đốc trung tâm Hà Vũ EnglishAZ ) cho biết: “Trước đây, số lượng học viên lớp 12 chiếm không nhiều nhưng học sinh cấp 3 thì chiếm 15% số học viên tại trung tâm. Sau khi có tiêu chí kết hợp xét tuyển đại học thì số lượng học viên lớp 12 tăng hơn so với trước, số lượng học sinh cấp 3 hiện tại là khoảng 25%.

Để thu hút học viên, trung tâm đã đẩy mạnh các gói ưu đãi như: khuyến khích việc học cùng bạn bè, đôi bạn cùng tiến, khi đi học cùng bạn thì cả hai đều được hưởng mức ưu đãi cho combo đôi bạn cùng tiến. Nếu đăng ký học 1-1 thì học phí vẫn giữ nguyên không đổi và bằng tiền so với lớp học từ 5-7 người”.

Hiện tại, trung tâm Hà Vũ EnglishAZ quản lý việc học online qua hệ thống chấm điểm và bài tập cho học viên. Sĩ số lớp chỉ ở mức 5 đến 7 bạn/ lớp hoặc tổ chức lớp học cá nhân 1 thầy - 1 trò. Mỗi buổi học có tài liệu, video bài giảng ghi hình và ghi chú bài giảng chi tiết của buổi học gửi về trên hệ thống.

“Cái khó” của thầy, trò khi dạy và học ngoại ngữ online

Khi duy trì học online, nhiều giáo viên tại trung tâm ngoại ngữ nói chung cũng gặp khó khăn trong hoạt động giảng dạy trên nền tảng số để giữ và duy trì lượng học viên ổn định.

Là một giáo viên hiện đang giảng dạy ở trung tâm tiếng Anh Langmaster, thầy Nguyễn Huy chia sẻ thêm: “Có nhiều tháng tôi không có lớp dạy nên bị ảnh hưởng tới thu nhập, thậm chí có lớp bị buộc phải kết thúc sớm ngay cả khi chương trình học vẫn còn (vì có những nội dung do học online không hiệu quả và không truyền tải được nội dung bài học nên đã bị lược bỏ). Hiệu quả của việc dạy online đối với tôi là 75%, lượng học viên giảm từ 30-50% tùy đối tượng.

Học online thì vấn đề kỷ luật học viên trong lớp là quan trọng nhất nhưng khó để đưa ra một hình phạt hoặc khen thưởng phù hợp.

Hơn nữa, cảm xúc và động lực của giáo viên cũng bị ảnh hưởng nếu thời gian dạy online quá lâu (thu nhập thấp hơn, ngồi 1 chỗ nhiều, tiếp xúc với thiết bị điện tử trong thời gian dài, thiếu tương tác và thấu hiểu học viên…). Khi giáo viên không đủ năng lượng, nhiệt huyết, điều này cũng khiến học viên bị ảnh hưởng”.

Đã và đang theo học trung tâm ngoại ngữ Xuân Phi IELTS với 2 khóa học là speaking và writing, bạn Ngô Minh Hiếu (sinh năm 1998, cựu sinh viên ĐH Kiến Trúc Hà Nội) bày tỏ: “Khi phải học ngoại ngữ online, mình cảm thấy hạn chế lớn nhất với mình đó là mất đi môi trường giao tiếp giữa các học viên khi học kỹ năng speaking. Học nói nhưng mình chỉ được học với trợ giảng nên hiệu quả không cao bằng trực tiếp nói và tranh luận cùng các bạn học viên khác. Hiện mỗi kỹ năng mình đăng ký học có giá 7 triệu đồng/ khóa. Khi phải học online cũng có một chút thiệt thòi nên mình mong muốn được giảm phần nào học phí cho mỗi khóa học”.

MỚI - NÓNG