Trung Quốc: Xét xử thân tín của ông Chu Vĩnh Khang

Ông Tưởng Khiết Mẫn tại Tòa án nhân dân Hán Giang, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hôm 13/4.
Ông Tưởng Khiết Mẫn tại Tòa án nhân dân Hán Giang, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hôm 13/4.
Tại Tòa án nhân dân Hán Giang, tỉnh Hồ Bắc hôm 13/4, cựu Chủ nhiệm Ủy ban quản lý và giám sát tài sản nhà nước, ông Tưởng Khiết Mẫn đã thừa nhận phạm tội tham nhũng và lạm dụng quyền lực: "Tài sản gia đình tôi lớn hơn nhiều so với mức thu nhập hợp pháp. Tôi thừa nhận tội lỗi và bày tỏ sự ăn năn".

Ông Tưởng Khiết Mẫn cũng thừa nhận đã gây ra thiệt hại không thể phủ nhận cho đất nước - phá hoại việc quản lý và phát triển các mỏ dầu và khí đốt nhà nước, và xin được khoan hồng. Hiện ngày tòa đưa ra phán quyết đối với ông Tưởng Khiết Mẫn vẫn chưa được công bố. Trước khi được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Ủy ban quản lý và giám sát tài sản nhà nước, ông Tưởng Khiết Mẫn từng là lãnh đạo Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC), sau đó là Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hải và Tổng Giám đốc CNPC.

Cựu Chủ nhiệm Ủy ban quản lý và giám sát tài sản nhà nước bị cáo buộc vi phạm kỷ luật nghiêm trọng và ngày 30/6/2014, ông Tưởng Khiết Mẫn bị khai trừ đảng, bị cáo buộc nhận hối lộ, sở hữu khối tài sản lớn và lạm dụng chức quyền. Ông Tưởng Khiết Mẫn là Ủy viên trung ương Đảng đầu tiên bị "ngã ngựa" sau Đại hội 18 và là một trong những thân tín (thuộc bang dầu khí) của ông Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, cựu Bộ trưởng Công an Trung Quốc, bị đưa ra xét xử.

Theo tờ China Daily, không có chuyện đối xử đặc biệt với ông Chu Vĩnh Khang và các công tố viên cần 1-2 tháng để chuẩn bị cho phiên tòa xét xử cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị. Dự kiến, ông Chu Vĩnh Khang sẽ bị xét xử tại Thiên Tân và phiên tòa này sẽ là hình mẫu cho các vụ xét xử tham nhũng trong tương lai.

Gần 1 tháng trước (23/3), Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Trung Quốc cho biết, thân tín của ông Chu Vĩnh Khang, cựu Bí thư Ủy ban Chính Pháp sẽ phải hầu tòa tại tỉnh Hồ Bắc với cáo buộc tham nhũng. Theo đó, ông Vương Vĩnh Xuân, cựu Phó Tổng giám đốc CNPC sẽ bị xét xử với tội danh nhận hối lộ, sở hữu tài sản có nguồn gốc bất minh và lạm dụng quyền lực; còn ông Quách Vĩnh Tường, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Tứ Xuyên sẽ bị xét xử với nghi án nhận hối lộ và không lý giải được nguồn gốc tài sản.

Trước đó (19/3), 1 thân tín khác của ông Chu Vĩnh Khang là Lý Xuân Thành đã chính thức bị buộc tội tham nhũng, nhận hối lộ và lạm dụng quyền lực. Tân Hoa xã từng liệt kê ông Vương Vĩnh Xuân và ông Quách Vĩnh Tường là thành viên của "bang dầu khí" và "bang thư ký", trong bài viết lần đầu chỉ ra các phe nhóm trong đảng Cộng sản Trung Quốc sau khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình lên nắm quyền. Trong khi đó, dư luận cho rằng, liên quan tới vụ án của ông Chu Vĩnh Khang có nhiều người và họ được phân thành "bang dầu khí", "bang Tứ Xuyên", "bang thư ký" và "bang chính pháp".

Hơn 1 năm trước (9/4/2014), Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật trung ương đã khai trừ đảng để chuẩn bị truy tố cựu Phó Chủ tịch Tứ Xuyên Quách Vĩnh Tường. Ông Quách Vĩnh Tường bị bắt từ tháng 6/2013 do vi phạm nghiêm trọng kỷ luật dù đã nghỉ hưu - bị cáo buộc trực tiếp hối lộ một khoản tiền lớn và lạm dụng quyền lực để thu lời bất chính.

Theo giới truyền thông, sau khi ông Quách Vĩnh Tường bị bắt, ông Ký Văn Lâm và ông Du Cương cũng bị bắt cùng một ngày với cùng tội danh. Theo thống kê, trong thời gian tại vị, cựu Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị sử dụng 5 thư ký. Tuy đảm nhận vị trí thư ký trong các thời kỳ khác nhau, nhưng 5 người này đều có chung kết cục - đã bị bắt, thẩm vấn và sẽ bị xét xử vì có liên quan tới những việc làm mờ ám, phi pháp với ông Chu Vĩnh Khang và cả 5 thư ký đều bị cáo buộc lạm dụng chức quyền mưu lợi cá nhân, đưa và nhận hối lộ, thông dâm với nhiều phụ nữ.

Nếu căn cứ vào thời gian thì Lý Hoa Lâm là anh cả trong số 5 cựu thư ký. Bởi ông Lý Hoa Lâm làm thư ký cho ông Chu Vĩnh Khang từ 1988 đến 1992 và đây là thời gian cựu Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị làm Phó Tổng giám đốc CNPC.

Tháng 3/1992, ông Thẩm Định Thành thay thế ông Lý Hoa Lâm làm thư ký cho ông Chu Vĩnh Khang (1992-1997). Người thay thế ông Thẩm Định Thành làm thư ký cho Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Chu Vĩnh Khang là ông Ký Văn Lâm. 

Ông Ký Văn Lâm làm thư ký lâu nhất cho ông Chu Vĩnh Khang (10 năm) - từ khi ông giữ chức Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (1998), Bí thư Tỉnh ủy  Tứ Xuyên (1999), đến Bộ trưởng Công an (2002-2007). Ông Dư Cương là thư ký cuối cùng, còn ông Quách Vĩnh Tường được coi làm thư ký "tạm thời".

Theo Theo Cảnh Sát Toàn Cầu
MỚI - NÓNG