Trung Quốc vẫn dùng máy bay cũ của Nga để do thám

TP - Các máy bay Tu-154M của hãng máy bay Nga Tupolev dính dáng đến nhiều vụ tai nạn chết người trong suốt bốn chục năm hoạt động, nhưng một phiên bản sửa đổi của dòng máy bay này vẫn đang đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động thu thập thông tin tình báo của quân đội Trung Quốc.

Hơn 2.000 người chết

Đầu tháng này, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) công bố bức ảnh chụp một chiếc Tu-154M/D, loại máy bay trinh sát là phiên bản sửa đổi của dòng máy bay Tupolev Tu-154M nổi tiếng của Nga.

PLA cho biết những chiếc máy bay đó đã tham gia vào các cuộc tập luyện đường trường để khám phá “các tuyến đường và khu vực chưa từng bay đến trước đó”.

Tuy nhiên, với những người quan tâm và hiểu biết về máy bay, bức ảnh này gợi nhớ đến nhiều vụ tai nạn chết người liên quan đến máy bay Tu-154M đã cướp đi hơn 2.000 mạng sống trong chục năm qua.

Tháng 12 năm ngoái, Nga cho nghỉ hưu toàn bộ đội tàu bay Tu-154M sau khi xảy ra một vụ tai nạn quân sự trên Biển Đen ngay sau khi cất cánh từ Sochi. Tất cả 92 người trên khoang thiệt mạng, bao gồm 64 thành viên của dàn hợp xướng quân đội Alexandrov Ensemble.

Trung Quốc vẫn dùng máy bay cũ của Nga để do thám ảnh 1 Máy bay Tu-154M/D của quân đội Trung Quốc. Ảnh: Chinese Military Aviation.

Tu-154M từng là loại máy bay chở khách chủ yếu ở Trung Quốc đại lục trong những năm đầu mở cửa với thế giới. Tuy nhiên, hai vụ tai nạn xảy ra vào năm 1994 và 1999 khiến tổng số 224 người thiệt mạng.

Hai vụ tai nạn khiến cơ quan quản lý hàng không nước này chấm dứt sử dụng hoàn toàn các máy bay Tu-154M từ năm 2002. Dù vậy, lực lượng không quân của PLA tiếp tục sử dụng loại máy bay được thiết kế từ những năm 1960 này như một phương tiện trinh sát chủ yếu.

Không quân Trung Quốc đã lắp nhiều thiết bị điện tử chế tạo nội địa vào máy bay của họ, trong đó có radar khẩu độ tổng hợp (SAR), công nghệ cũng được sử dụng cho máy bay do thám P-8 Poseidon của hải quân Mỹ.

Vào thời điểm mua loại máy bay này từ cuối những năm 1980 và 1990, Tu-154 rẻ chỉ bằng khoảng 1/5 so với các dòng máy bay của phương Tây như Airbus A320 và Boeing 737. Vì ngân sách của PLA khi đó hạn hẹp nên Tu-154 là lựa chọn duy nhất. “Ngay cả bây giờ, Tu-154M/D vẫn là loại máy bay do thám quân sự chính của PLA vì không quân hiểu rất rõ loại máy bay này”, báo Hong Kong South China Morning Post dẫn lời nhà bình luận quân sự Zhou Chenming ở Bắc Kinh.

Không nhiều lựa chọn

Từ khi các máy bay Tu-154 bị loại khỏi ngành hàng không dân sự năm 2002, không quân Trung Quốc nhận được hơn 100 máy bay đó để sử dụng vào nhiều mục đích thu thập thông tin tình báo.

Tu-154 có một số vấn đề về thiết kế. Loại máy bay 3 động cơ này không chỉ tốn nhiên liệu mà thân máy bay hẹp khiến hành khách cảm thấy không thoải mái.

Thiết kế cánh chúc xuống khiến hai bên kém ổn định hơn các dòng máy bay của phương Tây. Tuy nhiên, báo cáo điều tra do giới chức Trung Quốc công bố cho thấy nguyên nhân chính gây ra 2 vụ tai nạn ở nước này đều chủ yếu do con người. Trong vụ năm 1994, giới điều tra kết luận tổ vận hành mặt đất đã kết nối sai phím, khiến máy bay gặp nạn ở tỉnh Thiểm Tây. Vụ tai nạn nghiêm trọng nhất kể từ khi thành lập nước Trung Quốc này khiến 160 người chết.

Vụ tai nạn thứ hai ở tỉnh Chiết Giang năm 1999 là do các nhân viên bảo trì lắp thanh thang máy sai vị trí, hậu quả là 64 người chết.

So với ngành hàng không dân dụng, PLA có hệ thống bảo trì nghiêm ngặt hơn nhiều và càng được củng cố sau hai vụ tai nạn trên. Các phi công quân sự cũng được đào tạo tốt hơn để ứng phó tình huống khó và họ cũng có nhiều kinh nghiệm hơn.

Nhiều máy bay quân sự dùng vào nhiệm vụ do thám là phiên bản sửa đổi của máy bay dân sự để khiến đối phương khó phát hiện hơn. Đó là lý do Hải quân Mỹ phát triển P-8 Poseidon từ dòng máy bay Boeing 737.

Việc thu thập thông tin tình báo đòi hỏi nhiều nhân lực nên không gian rộng rãi trên máy bay chở khách là môi trường làm việc lý tưởng.

Trung Quốc vẫn chưa phát triển hoàn thiện máy bay thương mại của riêng họ. Loại máy bay ARJ 78 chỗ và C919 168 chỗ của Công ty máy bay thương mại Trung Quốc đều phụ thuộc nhiều vào nhà cung cấp nước ngoài, với động cơ và hệ thống điện tử được nhập từ Mỹ. Lệnh cấm vũ khí từ năm 1989 khiến thiết bị của Airbus hay Boeing không được phép dùng vào mục đích quân sự. Hơn nữa, Trung Quốc không thể dùng máy bay của phương Tây vào mục đích quân sự để tránh rủi ro với chính an ninh của họ, chuyên gia Zhou Chenming đánh giá.

PLA đã cố thích nghi với những loại máy bay vận tải quân sự nội địa như Yuan-8 và Yuan-9 để có các máy bay do thám điện tử mới. Nhưng chuyên gia quân sự Antony Wong Dong ở Macao nói rằng không loại nào trong số này có thể thay thế hoàn toàn Tu-154.

“Vai trò của Tu-154M/D với Yuan-8 và Yuan-9 là bổ sung cho nhau vì PLA không có nhiều lựa chọn như Mỹ”, ông Wong nói.

Các máy bay Tu-154M/D của không quân Trung Quốc được gắn vật trông giống chiếc xuồng bên dưới thân, và đó được cho là nơi chứa thiết bị SAR.

SAR có thể thu thập hình ảnh vật thể như xe cộ, tàu thuyền, máy bay, tòa nhà... trong cả ngày lẫn đêm và dưới mọi điều kiện thời tiết. Ông Wong nói rằng PLA đã thu thập được một bản đồ các căn cứ quân sự trên bán đảo Triều Tiên, Nhật Bản và Đài Loan sau khi cử máy bay Tu-154M/D tham gia chiến dịch tập trận “vây đảo” gần khu vực Đài Loan gần đây và trong các chuyến tuần tra định kỳ trên biển Hoa Đông.

Với điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở Nga, hãng Tupolev thiết kế loại máy bay tầm trung có thể cất và hạ cánh trong mọi điều kiện thời tiết.

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.