Bắc Kinh “sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ” chính quyền Hong Kong, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói trong cuộc họp báo thường kỳ.
“Thứ hai, chúng tôi phản đối mạnh mẽ bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài vào các vấn đề lập pháp” của thành phố, ông Cảnh Sảng nói.
Hôm nay, báo chí Trung Quốc cáo buộc sự can thiệp từ bên ngoài đã gây ra làn sóng biểu tình lớn, khiến khu vực trung tâm Hong Kong bị tê liệt vào cuối tuần qua.
Những người tổ chức cho biết có hơn 1 triệu người đã xuống đường để phản đối luật sửa đổi nhằm cho phép dẫn độ tội phạm từ Hong Kong về đại lục xét xử.
Những người phản đối cho rằng luật này sẽ làm xói mòn quyền tự do của công dân thành phố và tạo ra nguy cơ những người bất mãn bị xét xử không công bằng.
Thời báo Hoàn cầu thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc lên án cuộc biểu tình lớn nhất trong 15 năm qua ở Hong Kong.
“Rất đáng chú ý là một số lực lượng nước ngoài đã tăng cường đáng kể tiếp xúc với phe đối lập ở Hong Kong trong những tháng gần đây”, tờ báo viết.
Bài xã luận trên Thời báo Hoàn cầu còn nhắc đến cuộc gặp giữa các nhân vật đối lập ở Hong Kong với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.
Báo China Daily cũng lên án cuộc biểu tình và ủng hộ dự luật đề xuất.
Bài xã luận đăng trên báo này nói rằng hơn 700.000 người đã ủng hộ luật mới, thể hiện trong một lá đơn tập thể, “chống lại cuộc biểu tình của khoảng 240.000 người”.
“Không may là một số người dân Hong Kong đã bị phe đối lập và các đồng minh nước ngoài của họ lừa tham gia vào phong trào chống dẫn độ”, China Daily viết.
Những hình ảnh chụp từ trên cao dòng người phủ kín các con phố ở trung tâm Hong Kong đã phủ kín báo chí khắp thế giới trong ngày hôm qua và hôm nay.
Nhưng báo chí Trung Quốc đại lục đưa tin rất hạn chế.
Bản tin chính của truyền hình nhà nước Trung Quốc tối 9/6 không đề cập đến cuộc biểu tình. Còn hãng thông tấn Xinhua phiên bản tiếng Anh nhắc lại quan điểm của chính quyền thành phố về dự luật đề xuất.
Tìm kiếm trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc về cuộc biểu tình ở Hong Kong cũng không cho ra kết quả nào.
Thỏa thuận 50 năm giữa Hong Kong, Anh và Trung Quốc đại lục cho phép đặc khu Hong Kong được hưởng quyền tự do biểu đạt và tự do tụ tập. Nhưng các nhà hoạt động và lực lượng chính trị đối lập cho rằng các quyền tự do ở thành phố này đang bị xói mòn vì Bắc Kinh tăng cường kiểm soát.