Trung Quốc tổng càn quét sữa độc

Trung Quốc tổng càn quét sữa độc
TPO - Trung Quốc đã bắt đầu chiến dịch khẩn cấp kéo dài 10 ngày trên toàn quốc nhằm càn quét các sản phẩm sữa có chứa hóa chất  độc hại melamine sau khi tiếp tục phát hiện thấy trên thị trường còn nhiều sản phẩm này.

Thành viên Ủy ban an toàn thực phẩm Trung Quốc, ông Chen Junshi, cho rằng, hiện nay, không ai dám khẳng định còn bao nhiêu sản phẩm sữa độc còn tồn tại trên thị trường.

Chiến dịch đã bắt đầu vào ngày 01/2 sau khi nhiều sản phẩm sữa độc đã bị tịch thu khỏi các giá  hàng tại Thượng Hải, Thiểm Tây, Sơn Đông, Liêu Ninh và Hà Bắc.

Trong chiến dịch mới này, Bộ Y tế Trung Quốc đã phái 8 đoàn điều tra đi kiểm tra các sản phẩm nghi vấn tại 16 tỉnh thành trên toàn quốc.

Năm 2008, vụ bê bối các sản phẩm sữa chứa hóa chất  độc hại melamine của Trung Quốc đã làm thế giới sững sờ. Ít nhất 6 trẻ em đã thiệt mạng và 300.000 trẻ khác đã mắc bệnh do loại sữa độc này.

Tại thời điểm đó, Trung Quốc đã cam kết sẽ  kiểm soát chặt chẽ sự an toàn thực phẩm. Các cá nhân có liên quan trực tiếp tới vụ bê bối sữa độc năm 2008 đã bị xử tù, thậm chí tử hình.

Tuy nhiên, gần đây, mối lo lắng sữa độc lại xuất hiện trở lại.

Hồi  đầu năm nay, các nhà chức trách Thượng Hải cho biết  đã bí mật tiến hành điều tra trong gần một năm nay trước khi công bố thông tin một doanh nghiệp sản xuất sữa tại đây đã đưa ra thị trường những sản phẩm sữa độc. Và đó chính là 1 trong 22 doanh nghiệp được xác nhận sản phẩm an toàn trong vụ bê bối năm 2008.

Lần này, Trung Quốc lại đưa cam kết sẽ triệt hạ mọi hoạt động sản xuất sữa độc hại này. “Tất cả các sản phẩm sữa chứa melamine phải bị phát hiện và tiêu hủy.”, Tân Hoa Xã trích dẫn lời Bộ trưởng Y tế Trung Quốc nói.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia y tế, Trung Quốc rất khó  làm triệt để vì việc này liên quan tới cả dây chuyền từ chăn nuôi bò, thu hoạch sữa tới sản xuất các sản phẩm sữa.

Melemine là hóa chất độc hại thường được sử  dụng trong công nghiệp nhựa và phân bón. Những kẻ  phạm tội đã cho melamine vào sữa để làm tăng hàm lượng đạm và kiếm lợi nhuận.

Linh Huy
Theo AP, Chinadaily

MỚI - NÓNG