Trung Quốc tập trận tấn công bãi biển để cảnh báo Mỹ, Đài Loan

0:00 / 0:00
0:00
Xe bọc thép lội nước của quân đội Trung Quốc trong một cuộc diễn tập tấn công đổ bộ ngày 21/5. Ảnh: China Military.
Xe bọc thép lội nước của quân đội Trung Quốc trong một cuộc diễn tập tấn công đổ bộ ngày 21/5. Ảnh: China Military.
TPO - Một ngày sau khi chiếc máy bay quân sự thứ hai của Mỹ hạ cánh xuống đảo Đài Loan trong chưa đầy 2 tháng qua, lục quân và hải quân Trung Quốc tổ chức tập trận chung đổ bộ tấn công ở vùng biển ngoài khơi tỉnh Phúc Kiến (tỉnh Phúc Kiến và đảo Đài Loan nằm hai bên eo biển Đài Loan).

Cuộc tập trận chung cuối tuần qua thể hiện năng lực của quân đội Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và gửi cảnh báo tới Mỹ cũng như những đối tượng ly khai Đài Loan đang sử dụng chiến thuật “cắt lát salami”, báo Trung Quốc Global Times (Thời báo Hoàn Cầu) ngày 18/7 dẫn lời các chuyên gia.

Hôm 16/7, đơn vị thiết giáp thuộc một lữ đoàn vũ trang hỗn hợp chuyên đổ bộ tấn công hạng nặng trực thuộc Quân đoàn 73 tập trận bắn đạn thật ở ngoài khơi phía đông nam Phúc Kiến, CCTV (Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc) đưa tin.

Hàng chục xe bọc thép đổ bộ dòng Type 05 từ trên bờ tiến ra biển, lên tàu đổ bộ cỡ lớn lớp Du Đình II (Type 072A) của hải quân Trung Quốc. Type 05 là dòng xe bọc thép nội địa tân tiến nhất của quân đội Trung Quốc, có khả năng cơ động cao trên biển, hỏa lực mạnh và mức độ thông tin hóa cao.

Sau khi tiến sát khu vực mục tiêu, các tàu đổ bộ thả dàn xe bọc thép lội nước để chúng vừa tiến về bãi biển vừa khai hỏa tấn công. Các binh sĩ không chỉ tập trận vào ban ngày mà cả vào ban đêm, trung tá Zhu Chaojun, tiểu đoàn trưởng, nói với CCTV. “Là đội quân cấp cơ sở đóng ở bờ biển đông nam, chúng tôi phải tập luyện chăm chỉ theo các kịch bản giống như trong thực chiến, luôn sẵn sàng chiến đấu, và kiên quyết bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia”, Zhu nói.

Trung Quốc tập trận tấn công bãi biển để cảnh báo Mỹ, Đài Loan ảnh 1

Tàu đổ bộ cỡ lớn lớp Du Đình II của hải quân Trung Quốc. Ảnh: Wikipedia.

Sẽ tiếp tục tập trận mang tính cảnh báo, răn đe

Cuộc tập trận diễn ra sau khi một chiếc máy bay vận tải chiến thuật C-146A của Không quân Mỹ hạ cánh xuống Đài Loan (Trung Quốc) hôm 15/7. Máy bay hạ cánh xuống sân bay Đài Bắc và nằm tại đó trong khoảng nửa giờ, United Daily News đưa tin. Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cảnh báo rằng, máy bay nước ngoài bay vào không phận Trung Quốc mà không được nước này phê chuẩn sẽ dẫn tới “những hậu quả nghiêm trọng”. Trước đó, một chiếc máy bay vận tải C-17 của Không quân Mỹ cũng hạ cánh xuống hòn đảo này hôm 6/6.

Trung Quốc tập trận tấn công bãi biển để cảnh báo Mỹ, Đài Loan ảnh 2

Máy bay vận tải của Không quân Mỹ hạ cánh ở Đài Loan. Ảnh: US News.

Cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc dường như là định kỳ, không trực tiếp liên quan việc máy bay quân sự Mỹ hạ cánh xuống đảo Đài Loan, nhưng chắc chắn thể hiện tính cảnh báo và nâng cao năng lực của binh sĩ Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, một chuyên gia quân sự Trung Quốc nói với Global Times. Theo chuyên gia này, quân đội Trung Quốc sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc tập trận tinh vi, phức tạp trong thời gian tới, mang tính cảnh báo và răn đe.

Trung Quốc cử tàu do thám thứ hai theo dõi Mỹ-Úc tập trận

Một chiếc tàu do thám Trung Quốc đang trên đường tới vùng biển phía đông bắc của Úc, nơi đang diễn ra cuộc tập trận chung Talisman Sabre giữa Úc và Mỹ, Australian Broadcasting Corp (ABC) đưa tin ngày 18/7. Tiến tới Úc thông qua biển Solomon bao quanh Papua New Guinea, con tàu này nhập hội với một tàu do thám lớn hơn. Phía Úc đang giám sát hai tàu do thám của Trung Quốc. Dù Trung Quốc từng áp dụng các biện pháp thu thập thông tin tình báo trong các dịp trước, nhưng đây là lần đầu tiên nước này triển khai tới hai tàu do thám, đánh dấu một sự phát triển bất bình thường, ABC dẫn lời các quan chức quốc phòng Úc.

“Chúng tôi có nguyên tắc và chúng tôi muốn mọi người tuân thủ các nguyên tắc liên quan tự do hàng hải”, Bộ trưởng Thương mại Úc Dan Tehan nói với Sky News Television hôm 18/7 khi được hỏi về sự hiện diện của tàu Trung Quốc trên biển. Vụ việc diễn ra khi căng thẳng địa chính trị giữa Úc và Trung Quốc leo thang sau khi Thủ tướng Úc Scott Morrison vừa nhắc lại lời kêu gọi điều tra độc lập về nguồn gốc COVID-19.

MỚI - NÓNG