Trung Quốc tập trận, đầu tư để khuếch trương quyền lực

TP - Việc Bắc Kinh quyết định tập trận chung với Nga tại Địa Trung Hải vào năm 2015 có ý nghĩa địa chính trị rất lớn, trang tin Đài Loan Want China Times ngày 23/11 dẫn trang tin Đa Chiều của cộng đồng người Hoa ở hải ngoại.
Trung Quốc tập trận, đầu tư để khuếch trương quyền lực ảnh 1

Trung Quốc tập trận hải quân. Ảnh: CNS

Trong khi đó, báo Mỹ New York Times đưa tin, Trung Quốc đang đầu tư 70 tỷ USD khắp châu Á-Thái Bình Dương để mở rộng quyền lực.

Với Trung Quốc, quyết định tập trận chung có vẻ đơn thuần thể hiện sự ủng hộ Nga, vốn đang bị phương Tây cô lập từ khi nổ ra khủng hoảng Ukraine. Nhưng động thái này cũng có thể được hiểu như một sự biểu dương sức mạnh với phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, theo Đa Chiều, việc này không có nghĩa Trung Quốc là đồng minh của Nga trong một cuộc chiến thực sự. Quyết định tập trận chung với Nga dường như dựa trên lợi ích của chính Trung Quốc nhiều hơn. Trung Quốc hiện có quân đội lớn nhất thế giới, được bổ sung các máy bay tàng hình và một tàu sân bay, nhưng thiếu kinh nghiệm thực chiến vẫn được coi là điểm yếu lớn của quân đội Trung Quốc. Nghiên cứu của Hải quân Mỹ đánh giá, mặc dù hải quân Trung Quốc gồm 235.000 quân, lớn gấp 5 lần Nhật Bản nhưng quy trình chỉ huy và đào tạo vẫn rất lạc hậu so với các nước dẫn đầu thế giới.

Sau khi chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines mất tích với 152 công dân Trung Quốc, Bắc Kinh huy động ba chiến hạm cùng 10 vệ tinh tham gia chiến dịch tìm kiếm. Đa Chiều cho rằng, ngoài mục đích tìm kiếm MH370, Trung Quốc còn thu được kinh nghiệm giá trị ở biển Đông và những vùng nước quốc tế như eo biển Malacca. Rõ ràng, thông qua việc tăng cường hiện diện ở Địa Trung Hải, Trung Quốc được lợi vì đây là một khu vực địa chính trị then chốt trong lịch sử.
Tháng 7/2012, ba chiến hạm Trung Quốc lần đầu tiến vào Địa Trung Hải sau khi hoàn thành nhiệm vụ hộ tống gần Vịnh Aden. Tháng 1/2014, tàu hộ vệ Trung Quốc lại cùng các chiến hạm Nga, Đan Mạch, Na Uy tham gia hộ tống tàu chở vũ khí hóa học của Syria qua Địa Trung Hải. Đa Chiều cho rằng, động thái tập trận chung có thể là một minh chứng cho việc Trung Quốc sử dụng lực lượng quân sự nhằm mở một cánh cửa kinh tế sang phương Tây, một phương pháp không có gì khác so với việc phương Tây từng sử dụng pháo hạm để mở cửa Trung Quốc trước kia. 

Theo Đa Chiều, dù chính phủ Trung Quốc luôn phủ nhận, song việc quân đội nước này tăng cường hoạt động ở Địa Trung Hải báo hiệu những ý định chiến lược của Bắc Kinh đối với khu vực này. Với công nghệ xây dựng tàu sân bay đang phát triển nhanh chóng và nỗ lực xây dựng hạm đội hải quân hùng mạnh, rất có thể, quân đội Trung Quốc sẽ thường trực một hạm đội tại Địa Trung Hải vào năm 2025, Đa Chiều dự báo.

Theo New York Times, sau Hội nghị cấp cao APEC ở Bắc Kinh, Tổng thống Mỹ Barack Obama vội vã quay về Nhà Trắng, còn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công du châu Á-Thái Bình Dương, thăm Úc, New Zealand, Fiji. Trung Quốc thông báo chi tới 70 tỷ USD cho vay và phát triển hạ tầng khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ngoài quỹ dành cho Con đường Tơ lụa mới lên tới 40 tỷ USD, Trung Quốc còn cho 10 nước ASEAN vay và tài trợ các dự án xây dựng hạ tầng 20 tỷ USD. Trung Quốc cũng đề xuất xây dựng khu vực tự do thương mại APEC. New York Times nhận định, tất cả động thái trên rõ ràng nhằm đẩy lùi ảnh hưởng của Mỹ, khẳng định quyền lực tại khu vực của Bắc Kinh.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.