ADIZ được đề xuất bao phủ các quần đảo Pratas, Hoàng Sa và Trường Sa, theo nguồn tin giấu tên. Các kế hoạch cho khu vực này tương tự kế hoạch cho biển Hoa Đông. Nguồn tin nói rằng, chính quyền Trung Quốc đang chờ đợi thời điểm thích hợp để công bố kế hoạch về ADIZ mà họ cân nhắc từ năm 2010.
Trong khi Bắc Kinh kín tiếng về vấn đề này, cơ quan quốc phòng Đài Loan nói hôm 4/5 rằng, họ đã biết về các kế hoạch của đại lục.
ADIZ là không phận trên một khu vực, ở đó việc giám sát và kiểm soát máy bay qua lại được thực hiện vì lợi ích an ninh quốc gia của nước tuyên bố ADIZ. Trong khi nhiều quốc gia đưa ra ADIZ, khái niệm này không được xác định hoặc quy định bởi bất kỳ điều ước hoặc cơ quan quốc tế nào.
Các nhà quan sát quân sự nói thông báo về ADIZ từ phía Trung Quốc sẽ làm gia tăng căng thẳng với Mỹ và có thể gây ra thiệt hại không thể khắc phục đối với mối quan hệ với các nước láng giềng Đông Nam Á. Lục Lập Thực, cựu giảng viên Học viện Hải quân Đài Loan tại Cao Hùng, nói rằng, việc xây dựng và phát triển các đảo nhân tạo - đặc biệt là các đường băng và hệ thống radar được xây dựng trên các đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn, ở Trường Sa diễn ra nhiều năm qua là một phần kế hoạch ADIZ của Bắc Kinh.
“Hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy PLA đã triển khai máy bay cảnh báo sớm KJ-500 và máy bay tuần tra chống ngầm KQ-200 tại đá Chữ Thập, ông nói, đề cập những bức ảnh được chụp bởi công ty ImageSat International của Israel và Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Washington. “Và rõ ràng là các thiết bị điều hòa không khí đang được lắp đặt trên rạn san hô, cho thấy các máy bay chiến đấu - vốn cần được bảo vệ khỏi nhiệt độ cao, độ ẩm và độ mặn trong khu vực - cũng sẽ sớm được triển khai ở đó”. Một khi các máy bay chiến đấu của PLA được đưa đến, chúng có thể tham gia các cùng máy bay cảnh báo sớm và chống ngầm để thực hiện các hoạt động tuần tra ADIZ”, ông Lục nói.
Lý Kiệt, một chuyên gia hải quân ở Bắc Kinh và là đại tá PLA đã nghỉ hưu, nói rằng, các nước thường chờ đợi để công bố thành lập ADIZ cho đến khi họ có thiết bị phát hiện cần thiết, khả năng chiến đấu và cơ sở hạ tầng khác để thực thi. Nhưng nếu có thời cơ, Bắc Kinh có thể đưa ra thông báo sớm hơn. “Bắc Kinh từng tuyên bố ADIZ ở biển Hoa Đông mặc dù PLA chưa có khả năng phát hiện, theo dõi và trục xuất máy bay nước ngoài xâm nhập”, ông Kiệt nói.
Bắc Kinh “chưa đủ khả năng” áp đặt ADIZ
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong mới đây, GS Carlyle Thayer (Đại học New South Wales, Úc) nhận định, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ không áp đặt ADIZ trên biển Đông trong tương lai gần vì nước này thiếu năng lực ở hai khía cạnh.
“Thứ nhất, Trung Quốc thiếu cơ sở hạ tầng cần thiết trên bãi cạn Scarborough để hoàn thiện tam giác giám sát nối đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) với đá Vành Khăn và đá Subi (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Thứ hai, Trung Quốc không đủ máy bay tiền phương để thách thức máy bay của các nước khác bay trên biển Đông (xâm nhập ADIZ trong trường hợp nước này tuyên bố)”. Ngoài ra, việc áp đặt ADIZ trên biển Đông sẽ bị cộng đồng quốc tế, nhất là bị Mỹ và các đồng minh, đối tác lên án, thách thức.
Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ tiếp tục quân sự hóa các đảo nhân tạo mà họ xây dựng trái phép ở Trường Sa, cải thiện đáng kể hệ thống vũ khí trên đó. Đồng thời, tiếp tục củng cố yêu sách chủ quyền của họ “bằng cách đưa tàu hải quân, cảnh sát biển (hải cảnh), dân quân biển và tàu cá tới các vùng biển nằm trong “đường lưỡi bò”, quanh quần đảo Trường Sa, rồi ở đó trong thời gian dài với lý do “bảo vệ chủ quyền”, nhưng cố giữ để không xảy ra xung đột vũ trang”, GS Thayer nhận định.
Lý Kiệt, một chuyên gia hải quân ở Bắc Kinh và là đại tá PLA đã nghỉ hưu, nói rằng, các nước thường chờ đợi để công bố thành lập ADIZ cho đến khi họ có thiết bị phát hiện cần thiết, khả năng chiến đấu và cơ sở hạ tầng khác để thực thi.